Link Video: https://youtu.be/qQFOw5C6SPQ
Luôn có một nghịch lý tồn tại ở xã hội Việt Nam khiến các thế hệ trẻ phải đối mặt với khó khăn và áp lực trong việc ấp ủ giấc mơ mua nhà riêng cho gia đình. Đó là thu nhập thực tế không bao giờ theo kịp giá nhà đất. Chỉ một số ít những người trẻ tự khởi nghiệp hoặc tận dụng những ngóc ngách của thị trường, mới có khả năng mua sắm nhà cho riêng mình. Đối với, phần đông những người làm công ăn lương còn lại, thì giấc mơ có một mái ấm riêng là điều xa xỉ.
“Ở Sài Gòn, có 3 tỷ vẫn khó mua căn hộ”, đó là nhận định của chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền, chủ kênh Tik Tok Doctor Housing, chia sẻ với đài BBC trong buổi trò chuyện hôm 20/2.
“Bây giờ, nếu ở TP.HCM cầm 3 tỷ đồng đi mua một căn hộ cũng đã cực kỳ khó. Một căn hộ hai phòng ngủ 70 mét vuông, tầm trung, dao động 80 – 100 triệu/mét vuông. Nếu không có sự can thiệp của nhà nước, mà giá căn hộ cứ nhảy lên như thế này thì ngày càng khó cho người trẻ“, chuyên gia này cho biết thêm.
Theo chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền, phân khúc căn hộ giá rẻ đặc biệt quan trọng đối với người lao động trẻ, nhưng lại cực kỳ khan hiếm và khó tiếp cận. Anh nhận định các nguyên nhân là:
“Một là do quy hoạch tổng thể của TP.HCM và Hà Nội không được làm ngay từ đầu, nó rất manh mún, cho nên giờ quỹ đất cho chung cư cạn kiệt. Nhà đất thì liền kề lộn xộn, nên muốn xây chung cư phải ở ngoại thành: Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè. Nhưng những khu này lại xa, bất tiện cho những người đi làm ở trung tâm. Phần lớn của lỗi quy hoạch là vì thời kỳ hậu chiến tranh, cho tới khi đất nước mở cửa, điều quan trọng trong thời kỳ đó là có cơm ăn áo mặc, nên không có khái niệm quy hoạch ngay từ ban đầu, để làm như các thành phố lớn trên thế giới.”
Vì miếng bánh lợi nhuận quá hấp dẫn mà việc phát triển các dự án bất động sản tràn lan được đẩy mạnh, nhưng không hề tuân theo quy hoạch phát triển. Giá nhà đất cứ theo đà của các dự án phân lô bán nền trong thời bùng nổ kinh tế, tăng lên chóng mặt, cho tới bây giờ, một mét vuông trị giá 300 – 400 triệu. Với giá trị như thế, việc quy hoạch lại trở thành một vấn đề cực kì nan giải, nếu không muốn nói là bất khả thi. Đây cũng là một tác hại của việc phát triển quá nhanh nhưng không bền vững, vì thiếu tầm nhìn xa và trình độ quản lý của chính quyền.
Đài BBC cũng đã phỏng vấn một số bạn trẻ thế hệ 8x, 9x để tìm hiểu thêm về ý kiến và suy nghĩ của họ. Cô gái sinh năm 1989 tên Minh Uyên đã chia sẻ với BBC: “Giá nhà hiện tại quá cao so với mức thu nhập của tôi. Thực sự không thể nào mua nổi nếu chỉ làm công ăn lương, dù tôi đã chấp nhận rằng mình phải mua chung cư ở xa trung tâm Sài Gòn. Hơn nữa, thông tin về giá nhà, về giấy tờ, sổ hồng ở Việt Nam không rõ ràng, nên tôi cũng e dè, người chuyên kinh doanh bất động sản còn bị lừa nói gì tới tay ngang như mình“.
Một người lao động tự do trong mảng công nghệ tên Nam Anh, sinh năm 1990, nói với BBC:
“Đối với một người trẻ như tôi thì rất khó chen chân, vì mua chung cư, nếu muốn rẻ, thì phải đặt từ khi nhà đầu tư gọi vốn. Nhưng như vậy thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro: Chủ đầu tư không đủ kinh phí xây dựng, dự án phá sản, hoặc chậm giao nhà so với tiến độ đã hứa. Việc này gây lo sợ cho nhiều người, vì dồn hết tiền của vào một dự án trên giấy và qua những lời quảng cáo,”
“Khi đặt cọc xong thì lại nằm trong quy hoạch, tôi cảm thấy việc mua bán khó khăn. Chưa kể có nhiều dự án ma, nằm trên giấy và trong tưởng tượng thôi. Hoặc xây được cái chung cư rồi thì không ra được sổ, rất nhiều mối lo mà tài chính của tôi thì có hạn,” Nam Anh chia sẻ thêm.
Vào ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải tiếp tục chủ trì một Hội nghị để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản ở Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là tìm kiếm giải pháp tháo gỡ tình trạng bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, Thủ tướng đã khẳng định các doanh nghiệp bất động sản phải tự cứu mình, vì sẽ không có sự giải cứu nào được cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Lốc Tàu làm bay màu VinFast? Khó cũ chưa qua, khó mới ập đến Vượng Vin
>>> Đỗ Hữu Ca: Nuốt trôi bờ sông to, mắc nghẹn cục tiền nhỏ
>>> Tây Ninh “tiến công” Hà Nội, 2 mũi giáp công Nguyễn Văn Nên và Trần Lưu Quang
Trung Quốc đã bắt đầu cho một thời kỳ tàn lụi