Câu chuyện VinFast tồn kho nhiều được một số nhà phân tích dự đoán từ lâu. Đã làm doanh nghiệp và có tham vọng doanh nghiệp toàn cầu, thì khâu làm thương hiệu là vấn đề sống còn. Thương hiệu là cách giúp cho doanh nghiệp qua cơn bĩ cực, thương hiệu giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để có thương hiệu, VinFast cần phải cung cấp cho khách hàng sản phẩm đủ tốt, đủ độ tin cậy và chế độ hậu mãi chấp nhận được. Trên nền tảng đó, VinFast mới đẩy chiến lược quảng cáo để mở rộng thị trường. Từ quảng cáo, khách hàng mua sản phẩm và trải nghiệm, quả thật sản phẩm tốt, hậu mãi tốt và doanh nghiệp nói lời trung thực, khi đó, thương hiệu tự nhiên hình thành và bám rễ.
Bài học thương hiệu của hãng Honda với xe máy Trung Quốc cách đây hơn 20 năm đã cho thấy tính hiệu quả của sức mạnh thương hiệu. Vào đầu những năm 2000, xe máy Honda khi đó đang ở tầng cao so với mức sống trung bình người dân Việt Nam. Bỗng nhiên xe máy Trung Quốc xuất hiện và giá chỉ bằng một nửa, sau đó nó giảm giá dần và giá thậm chí bằng một phần tư xe Nhật cùng kiểu dáng. Thế là xe Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường làm xe Nhật rơi vào khủng hoảng.
Xe máy Trung Quốc hoàng hành khoảng 10 năm, sau đó, khách hàng nhận ra rằng, dù giá rẻ nhưng chất lượng quá kém và không hậu mãi, khiến xe Trung Quốc ngốn rất nhiều chi phí để sửa, mà đổi lại, lại không an toàn. Kết quả, xe máy Trung Quốc dù giá rẻ cũng bị thị trường từ chối sau một thời gian dài tung hoành.
Xe máy Nhật sống sót là bài học cho thấy, người Nhật biết chơi theo luật chơi của thế giới văn minh. Biết xây dựng thương hiệu bằng cách cung cấp cho khách hàng sản phẩm chất lượng, hay chí ít là chấp nhận được. Kèm theo đó là chế độ hậu mãi thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất với khách hàng. Đấy là nền tảng. Khi nền tảng ổn thì quảng cáo mở rộng thị trường. Honda nói riêng và xe máy Nhật nói chung đã trụ vững trước cơn bão xe Tàu.
Trở lại câu chuyện xe VinFast, ông Phạm Nhật Vượng đổ ra 8,8 tỷ đô la và công ty đang đốt gần 5 tỷ đô mà vẫn chưa có được chỗ đứng. VinFast cung cấp cho khách hàng một sản phẩm cẩu thả và điều đáng nói là họ không có trách nhiệm sửa lỗi. Nhiều người nhận xét rằng, VinFast như sinh con bỏ chợ. Chỉ biết làm ra sản phẩm có hình dáng bán cho khách hàng lấy tiền, mà không đầu tư chất lượng bên trong. Làm thế thì thất bại trong chiến lược xây dựng thương hiệu là điều mà không khó để đoán ra. Khi đốt quá nhiều tiền mà không xây dựng được thương hiệu, thì tất nhiên xe sẽ ế. Tồn kho nhiều. Đấy là hậu quả tất yếu.
Mới đây, báo chí cho biết, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn VinGroup vừa công bố quyết định thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility), chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.
Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và ông Vượng nắm giữ 95% cổ phần. GSM hoạt động trong 2 mảng chính: Cho thuê ô tô – xe máy điện và taxi điện.
Khi mới công bố thành lập, cộng đồng mạng đã có nhận xét rằng, “Xe điện vay mấy tỷ USD sản xuất rồi không ai mua, giờ tất yếu phải lấy ra làm taxi chứ để không đâu có lãi? Tại Việt Nam quá nóng, chạy điều hòa cũng đủ ăn hết cục pin lithium của xe rồi, hãng có mua pin sỉ về sửa chạy bù lỗ được chứ người dùng 2 năm pin bị chai còn 50% dung lượng, không biết còn chạy nổi 100 km mỗi lần sạc không nữa”
Ông Vượng là doanh nhân và nhạy bén trong việc giải quyết vấn đề của công ty. Ví dụ như ông lập ra VMI để vay tiền người dân mà không qua trung gian tài chính như ngân hàng hay sở giao dịch chứng khoán. Đây là ý định ma mãnh nhằm đẩy hết rủi ro cho nhà đầu tư mà Thoibao.de đã có nhiều bài viết vạch trần. Giờ đây, ông Vượng lập nên công ty GSM để giải quyết hàng ế. Đây là cách đối phó trước mắt mang tính gỡ gạc, được đồng nào hay đồng đấy, chứ không phải là chiến lược bền vững. Chiến lược bền vững là xây dựng thương hiệu thì ông Vượng lại xem nhẹ. VinFast đang thua rồi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: