Hiện nay, trong 5 lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản thì có 2 người trưởng thành từ Trung ương Đoàn, đó là bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước. Bà Trương Thị Mai giữ cương vị Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn giai đoạn 2001 – 2012. Trong khi đó, ông Võ Văn Thưởng là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn từ năm 2007 – 2011. Ngoài ra còn nhiều người khác trưởng thành từ công tác Đoàn.
Đi theo con đường Đoàn trước đây an toàn. Bởi đây như là con đường riêng dành cho các cậu ấm đỏ, cô chiêu đỏ, được cha mẹ gửi vào để tiến thân. Nơi đâu có nhiều quyền lợi kinh tế, thì nơi đó có nhiều cạm bẫy, ở Trung ương Đoàn, các cô chiêu cậu ấm chỉ làm phong trào rồi đến ngày giờ đã định là lên chức. Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai đều là những người không ồn ào về chuyện đấu đá.
Nguyễn Xuân Anh cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng là cậu ấm đỏ. Nguyễn Xuân Anh không chọn con đường Đoàn mà tham gia vào bộ máy chính quyền từ rất sớm. Và kết quả là Nguyễn Xuân Anh, dù lên được Bí thư thành phố lớn nhất Miền Trung, nhưng rồi cũng bị “gãy gánh giữa đường”. Bởi trong bộ máy chính quyền, đấu đá quá khốc liệt.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nuôi hai con trai theo đường chính trị. Ông Dũng cũng dùng chiến thuật “không bỏ tất cả các quả trứng vào cùng một giỏ”, để lỡ rụng đứa này thì còn đứa khác. Với Nguyễn Thanh Nghị, ông Nguyễn Tấn Dũng cho tiến thân bằng con đường tham gia vào bộ máy chính quyền ngay sau khi đi du học về nước. Nguyễn Thanh Nghị tiến thân khá nhanh nhờ bàn tay của người cha. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Nghị suýt rụng khi mà ông Nguyễn Phú Trọng cho kỷ luật Nghị vào tháng 8/2020, vì liên quan đến đất đai Phú Quốc. May mà khi Phạm Minh Chính làm Thủ tướng thì Nghị được bố trí vào chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Với người con út Nguyễn Minh Triết, ông Ba Dũng không cho đi theo con đường tham gia vào bộ máy chính quyền, mà ông gửi vào Đoàn. Đây là con đường an toàn cho Nguyễn Minh Triết. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi mà Nguyễn Minh Triết rời Tỉnh Đoàn Bình Định, Triết đã giậm chân tại vị trí Bí thư Trung ương Đoàn nhiều năm, mà không thể lên được vị trí Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn hoặc Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.
Được biết, tại Trung ương Đoàn hiện nay, các phe phái cũng tranh nhau dữ dội, chứ không còn bình yên như trước. Trường hợp Nguyễn Xuân Hiếu, con trai ông Nguyễn Xuân Phúc, bỗng nhiên mất hút sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa cho thấy điều đó. Đấy là chỉ mới ở Tỉnh Đoàn, chứ chưa nói đến Trung ương Đoàn. Cạnh tranh ở Trung ương Đoàn còn khốc liệt hơn.
Nguyễn Minh Triết thì không rơi vào tình trạng bi đát như Nguyễn Xuân Hiếu, bởi ông Nguyễn Tấn Dũng có sức ảnh hưởng lên chính trường vẫn còn mạnh, mặc dù ông đã về hưu. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của ông Nguyễn Xuân Phúc không được như ông Ba Dũng, nên Hiếu bị chìm nghỉm. Còn một lý do khác, đó là Nguyễn Xuân Hiếu không có thực lực bằng Nguyễn Minh Triết.
Hiện nay, nhóm Nghệ An tại Trung ương Đoàn rất mạnh, với ông Bùi Quang Huy giữ chức Bí thư Thứ nhất. Việc Bùi Quang Huy tham gia vào bộ máy chính quyền chỉ là vấn đề thời gian. Còn Nguyễn Minh Triết thì gần như không có sức lực gì khi cạnh tranh với Bùi Quang Huy và Nguyễn Ngọc Lương ở vị trí thứ nhất và thứ nhì trong Trung ương Đoàn.
Thực ra mà nói, ông Nguyễn Tấn Dũng có thế lực mạnh, và có tiếng ở miền Nam, nhưng so với nhóm lợi ích Nghệ An thì thế lực nhà Ba Dũng không mạnh bằng. Có lẽ Nguyễn Minh Triết cần phải chờ thời gian lâu nữa mới đến lượt mình. Bởi nhóm lợi ích Nghệ An rất hay, khi có người rời đi, thì họ luôn tìm người Nghệ An để trám vào. Nguyễn Minh Triết đã được Nguyễn Tấn Dũng dẫn sang “đường tránh” để né va chạm, nhưng xem ra Nguyễn Minh Triết khó né tránh được nhóm Nghệ An.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)