Ngày 15/4 vừa qua, báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết “Thu hồi nhà ở xã hội đã bán cho quan chức”. Bài viết cho biết, hàng loạt căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội tại khu Sùng Đức, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông đã được bán như nhà thương mại khi chưa được phép.
Dự án khu nhà ở xã hội có tổng diện tích hơn 17.000m2 tại khu Sùng Đức vẫn đang gấp rút được thi công. Điều đáng nói là, đến thời điểm này, ngành chức năng vẫn chưa cho dự án này mở bán, nhưng vẫn có nhiều người dọn đến ở.
Đây là hiện tượng biến tướng của mục đích mà dự án nhà ở xã hội đặt ra. Thực ra, dự án nhà ở xã hội là đề tài được nhiều chính quyền địa phương đã thực hiện, nhưng rồi cũng không thể thực hiện được. Lý do thì có nhiều, như: nguồn vốn thiếu, quỹ đất không đủ, sự phân phối không đến được người cần (tức là người có thu nhập thấp).
Dự án nhà ở xã hội dần vào bế tắc khi mà giá đất, giá vật tư xây dựng, giá nhân công xây dựng càng ngày càng cao, đặc biệt là giá đất. Tại TP. HCM, nhà 2 tỷ/căn đã gần như tuyệt chủng, nhưng mà nhà ở xã hội thì phải dưới 1 tỷ đồng/căn. Vậy thì xây bằng cách nào?
Khi giá nhà đất trên thị trường quá cao, mà giá nhà ở xã hội yêu cầu phải thấp, thì điều dễ thấy là, quan chức địa phương sẽ tìm mọi cách để lùa xuất mua nhà vào tay những người thân của họ. Nghĩa là họ tìm cách tước bỏ quyền được mua nhà giá rẻ của người nghèo. Đây là kịch bản chắc chắn xảy ra, trên thực tế, nó đã và đang xảy ra.
Chưa có thời Bộ trưởng Bộ Xây dựng nào đưa dự án nhà ở xã hội lên thành một mức độ quy mô lớn như ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hiện nay. Ông Nghị đặt tham vọng xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, một con số có thể nói là “không tưởng”.
Dự án nhỏ thì thất bại nhỏ, ít ai thấy mức độ tác hại của nó, nhưng dự án lớn thì thất bại sẽ để lại hậu quả rất lớn. Tiền của, công sức xã hội đổ vào đại dự án, để rồi dự án đấy chỉ có cái danh là cho người nghèo, còn thực tế là người giàu được hưởng, và thậm chí, quan chức hưởng còn đậm hơn.
Ông Phạm Minh Chính cũng đã ký duyệt gói 120 ngàn tỷ để hỗ trợ cho dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chỉ những gói cứu trợ nhỏ từ lúc dịch Covid-19, cho đến những gói kích cầu có quy mô nhỏ hơn, cũng như các gói đầu tư công, đều không khai thông được dòng tiền, để rồi giờ đây phải lập 5 nhóm công tác đốc thúc giải ngân, thì với gói hỗ trợ khổng lồ 120 ngàn tỷ, ai dám chắc nó không bị nghẽn? Ông Phạm Minh Chính là Thủ tướng yếu kém trong công tác triển khai chính sách tài khóa. Điều đó đã được chứng minh qua nửa nhiệm kỳ đầu ông điều hành Chính phủ.
Việc biến tướng đối với loại nhà ở xã hội tại cấp cơ sở là một dự báo cho thấy, siêu dự án mà ông Nguyễn Thanh Nghị theo đuổi, đang trên con đường tiến tới thất bại. Tuy nhiên, với sự ngạo nghễ của một Bộ trưởng có chuyên ngành xây dựng được đào tạo tiến sĩ từ Mỹ, không cho phép Nguyễn Thanh Nghị làm một ông Bộ trưởng “an phận thủ thường”. Và Nguyễn Thanh Nghị đã như một “chú ngựa non” rất máu làm những gì mà “ngựa già” không dám làm.
Tuy đại dự án của ông Nghị chỉ mới bắt đầu, nhưng không thể dừng lại được. Ông Thủ tướng đã triển khai gói 120 ngàn tỷ thì không thể không làm dự án. Mà làm thì có rất nhiều chướng ngại không thể vượt qua. Một khi dự án thất bại thì nhà của người nghèo lại rơi vào tay người giàu. Rồi dân nghèo vẫn là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất dưới chế độ này.
Con đường đã bày ra trước mắt, là đường dẫn Nguyễn Thanh Nghị đến với thất bại, nhưng chú ngựa non bất chấp tất cả. Vẫn chạy và hí vang để thiên hạ biết rằng “ta đang làm điều vĩ đại”.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)