Link Video: https://youtu.be/thbLXxSVo_w
RFI Tiếng Việt hôm 9/5 có bài “Nga: Vì sao “Trung đoàn bất tử” không diễn hành năm nay?”
Theo đó, các báo Pháp ra hôm 9/5 quan tâm đến việc Nga tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức: Số lượng quân nhân và xe quân sự tham gia duyệt binh tại Moscow ít hơn hẳn so với năm ngoái, duyệt binh bị hủy bỏ tại khoảng 20 thành phố. Đặc biệt cuộc diễn hành của “Trung đoàn bất tử” cũng bị hủy.
RFI dẫn tin từ tờ Le Figaro mô tả, “Ở Matxcơva, lễ 5/9 được bảo vệ an ninh cao độ”, còn tờ Libération nhận thấy, “Tại Nga, “Ngày Chiến thắng” được tổ chức qua loa”.
RFI cho biết, lần đầu tiên kể từ mười năm qua, Quảng trường Đỏ bị đóng cửa trong suốt 15 ngày, từ 27/4 đến 10/5. Và cũng là lần đầu tiên, phóng viên các “quốc gia không thân thiện” (trong đó có Pháp) không được mời tham dự sự kiện.
Đặc biệt, cuộc diễn hành của “Trung đoàn bất tử” trên những con đường của các thành phố chính cũng bị hủy. Đây là sáng kiến rất được người Nga ưa thích, theo đó, người tham gia đem theo ảnh của một người thân đã thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 – 1945).
Nhà chính trị học Abbas Galliamov giải thích, Kremlin sợ rằng, “người dân ra đường với bức chân dung của những người vừa bị tử trận ở Ukraina, cho thấy rõ số thiệt hại khổng lồ mà quân đội của Putin phải chịu đựng”.
RFI dẫn nhận xét của tờ La Croix rằng, “Ngày 9/5, Kiev mừng Ngày Châu Âu, còn Nga mừng chiến thắng Đức quốc xã”. Tại Kiev, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, tham gia Ngày Châu Âu, cho thấy, việc Nga xâm lăng quốc gia này là một trắc nghiệm cho sự vững chãi của cấu trúc châu Âu. Và tại Matxcơva, kỷ niệm chiến thắng Đức quốc xã là dịp để Vladimir Putin huy động nhân dân chống lại “phương Tây thù địch”.
RFI nhận xét, cuộc xâm lăng của Putin đã tạo nên một sức bật mới trên toàn châu Âu – đoàn kết để tài trợ cho Ukraina, viện trợ vũ khí, đón nhận người tị nạn. Chẳng những không bị rạn nứt, mà EU còn được củng cố thêm, với viễn cảnh xác định một chính sách quốc phòng chung. Việc Nga xâm lược còn có thể được coi như một cuộc chiến giữa độc tài và dân chủ. Còn lại vấn đề một chính sách đối ngoại chung không thể tách rời các giá trị đã xây dựng nên châu Âu.
RFI dẫn Xã luận của tờ Libération mang tựa đề, “Ukraina, đêm trước cuộc tiến công” nhận định, cuộc chiến truyền thông giữa Nga và Ukraina càng lên cao vào dịp kỷ niệm 9/5 và trước cuộc tổng phản công đã được chuẩn bị từ nhiều tháng qua.
Sau những thất bại ê chề trên chiến trường Ukraine, Putin chuyển sang thế thủ. Nhưng RFI cho rằng, ông ta chưa mất tất cả, và muốn giữ chặt những chiến lợi phẩm. Nga đang chiếm đóng 16 % lãnh thổ của Ukraina, và ngang nhiên sáp nhập bốn vùng phía nam cùng với Crimée vào Liên bang Nga. Quá trình Nga hóa được tiến hành lập tức để không thể đảo ngược tình hình, cộng với việc cưỡng bức đưa hàng ngàn trẻ em Ukraina sang Nga. Moscow trông cậy vào một cuộc chiến tiêu hao, để bào mòn nguồn lực của Ukraina, hy vọng dư luận châu Âu sẽ mệt mỏi và những thay đổi sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, một quốc gia đang tham chiến như Ukraina không thể gia nhập NATO, và không hề có ủy nhiệm nào của Liên Hiệp Quốc để trợ giúp Kiev.
Ngược lại, RFI cho biết, trong khi chờ đợi cuộc phản công, Ukraina đã gây hoang mang bằng cách phá hủy các kho đạn, kho xăng, tàu chở hàng… khiến quân Nga mất tinh thần. Hôm 6/5, Kiev loan báo đã dùng Patriot bắn hạ được hỏa tiễn siêu thanh Kinjal nổi tiếng mà Putin khoe rằng bất khả chiến bại.
RFI dẫn quan sát của tờ La Croix cho thấy, “Tâm trạng khủng hoảng và hoài nghi nơi tầng lớp trung lưu” Nga. Bốn nhà tâm lý học đã kể lại với nhật báo Pháp về tình trạng các bệnh nhân của họ, hơn một năm sau cuộc tấn công Ukraina. Khách hàng của các nhà tâm lý này đại diện cho giới trung lưu mới ở Moscow. Họ ở độ tuổi 30, có học vấn cao, tự do trong suy nghĩ và cách sống, họ chỉ trích chế độ toàn trị của Putin và cuộc chiến của ông ta. Tuy nhiên, đa số người Nga vẫn tin vào Điện Kremlin.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chặn xuất cảnh đối với người bất đồng chính kiến để trả thù
>>> Vụ án oan khuất của cô giáo Lê Thị Dung từ đâu mà ra?
>>> Phản ứng của Australia trước phản đối của Việt Nam về đồng xu lưu niệm.
Mối quan hệ Việt – Úc có phát triển tiếp dù xảy ra sự cố cờ vàng?