Từ khi ông Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Bộ Xây dựng tung ra chính sách xây 1 triệu căn nhà dành cho người có thu nhập thấp, chúng tôi đã theo dõi, phân tích, đánh giá, chính sách này ngay từ đầu. Những đánh giá của chúng tôi dựa trên năng lực lãnh đạo chung của Đảng Cộng sản, dựa trên những khuyết điểm không thể sửa chữa của thể chế chính trị, và sau đó, là dựa vào năng lực lãnh đạo của từng người. Và quan điểm của chúng tôi là không thay đổi, dự án một triệu căn nhà ở của ông Nguyễn Thanh Nghị là không tưởng. Nó không tưởng đối với chính quyền Cộng sản, nhưng nó là khả thi nếu đó là chính sách của một chính quyền dân chủ.
Câu chuyện một triệu căn nhà ở xã hội sẽ được chúng tôi tiếp tục theo sát những diễn biến mới, xem xét, phân tích và đánh giá. Chúng tôi là tờ báo tự do, không bị chi phối bởi quyền lực chính trị, nên sẽ không ngần ngại “phang thẳng” vào tử huyệt của chế độ. Lẽ ra, chính quyền Cộng sản cần lắng nghe những lời nói “chói tai”, để nhận ra những sai lầm và sửa chữa, thì ngược lại, họ điên cuồng chống phá chúng tôi.
Câu chuyện ông Nguyễn Thanh Nghị tung ra chính sách xây dựng 1 triệu căn nhà, nếu thành công là điều tốt, là điều giúp ích cho xã hội rất nhiều. Nhưng nếu nó thất bại thì sao? Thì nó bào mòn nguồn lực xã hội, nó vỗ béo cho thành phần cơ hội, dựa vào quyền lực để đầu cơ những căn nhà giá rẻ, sau đó bán lại cho dân với giá “cắt cổ”.
Chính sách của ông Nguyễn Thanh Nghị kéo ông Phạm Minh Chính vào cuộc. Có sự hỗ trợ của Thủ tướng, nhiều người nghĩ, ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ như hổ mọc thêm cánh, đôi cánh ấy là do ông Phạm Minh Chính chắp vào. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như thế. Ngược lại, rất có thể chính sách này sẽ kéo ông Thủ tướng lún vào “đầm lầy”, chứ chưa chắc ông Phạm Minh Chính giải cứu được cho ông Nguyễn Thanh Nghị.
Mới đây, tờ báo Thanh Niên có bài viết với lời nhận xét “1 triệu căn nhà ở xã hội, ách tắc vốn, quỹ đất”. Và thực tế, gói 120.000 tỷ đồng cho dân vay mua nhà ở xã hội đang gặp những rào cản rất lớn. Thứ nhất là rào cản về lãi suất, thứ nhì là rào cản về thủ tục.
Cũng như nhiều gói hỗ trợ dân nghèo trong nhiều năm qua, việc giải ngân gần như không đáng kể. Nguyên nhân là do bộ máy tiêu cực, quan chức muốn nắn dòng tiền đấy chảy vào túi bà con dòng họ mình, và chặn con đường tiếp cận của người nghèo thực sự. Về hàng rào thủ tục, gói 62.000 tỷ đồng cứu trợ dân lúc dịch Covid đang ở cao điểm, gần như bị nghẽn hoàn toàn.
Gói 120.000 tỷ lần này cũng lặp lại tình trạng bị nghẽn như gói 62.000 tỷ trước đây. Theo khảo sát của chúng tôi, người dân trong diện vay mua nhà ở xã hội nói rằng, họ đang cố gắng xin vay, nhưng xem ra nó chẳng dễ hơn gói 62.000 tỷ hỗ trợ Covid trước đây. Vẫn bộ máy đó, vẫn đảng cầm quyền đó, vẫn ông Thủ tướng đó, thì rất khó để đưa gói 120.000 tỷ đồng này đến tay người dân.
Trước đây, ông Nguyễn Thanh Nghị có đề cập đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực thuộc Bộ Tài chính, ông Nghị không có thẩm quyền. Kỳ này, gói 120.000 tỷ cho dân vay mua nhà ở xã hội thuộc quản lý của ngân hàng. Ông Nguyễn Thanh Nghị có muốn thọc tay vào cũng không được. Nếu dân không vay được tiền, thì nhà ở xã hội nếu có xây lên cũng chỉ rơi vào tay bọn đầu cơ mà thôi.
Có người nhận xét, cũng có người vay được và mua được nhà ở xã hội, tuy nhiên, họ dự đoán số này không nhiều. Hiện nay, độ khó của gói vay, độ khan hiếm của nhà ở xã hội (1 triệu căn nhà vẫn chưa xây), và độ nóng của thông tin về mẫu nhà này, đã khiến cho cung vượt cầu rất xa. Thậm chí, đang xuất hiện tình trạng chạy mua xuất nhà ở xã hội. Có người cho chúng tôi biết, có nơi, nhà ở xã hội bán qua tay tăng giá lên gấp đôi.
Như vậy, dự án này trở thành mồi ngon cho bọn đầu nậu, dùng quen biết để mua nhà đầu cơ, rồi bán lại cho dân với giá cao gấp nhiều lần. Vậy, dự án nhà ở xã hội mới manh nha đã bị biến tướng. Dự án này đang đè nặng trên vai ông Nguyễn Thanh Nghị, mà một mình ông khó có thể giải quyết nổi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)