Đặng Quốc Khánh cùng sinh năm 1976, cùng tuổi Thìn với Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng. Đặng Quốc Khánh cũng là hạt giống đỏ, Khánh là con trai ông Đặng Duy Báu – cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 1996 – 2005. Rõ ràng về thân thế, Đặng Quốc Khánh không bằng Nguyễn Thanh Nghị. Tuy nhiên, Đặng Quốc Khánh lại là thành viên của liên minh Nghệ – Tĩnh, nơi đang có đến 25 ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có đến 4 ủy viên Bộ Chính trị. Nói đơn giản là, Nguyễn Thanh Nghị mạnh ở thế lực gia đình, Đặng Quốc Khánh mạnh ở nhóm lợi ích chính trị.
Đặng Quốc Khánh học chuyên ngành xây dựng dân dụng ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, còn Nguyễn Thanh Nghị cũng học ngành tương tự ở trường Kiến trúc TP HCM. Tuy cả hai học cùng trường kiến trúc, nhưng tốt nghiệp hệ kỹ sư chứ không phải kiến trúc sư. Về học vị, Nguyễn Thanh Nghị được đi du học Mỹ và tốt nghiệp Tiến sĩ, còn Đặng Quốc Khánh tốt nghiệp đại học và tiến sĩ tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Năm 2021, theo thông tin chúng tôi có được, thì nhóm lợi ích Nghệ – Tĩnh muốn đưa Đặng Quốc Khánh vào ghế Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nếu ông Vương Đình Huệ giành được ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, đến giờ phút cuối, Phạm Minh Chính lại thắng thế trước Vương Đình Huệ và nắm chức Thủ tướng, nên Đặng Quốc Thắng hỏng ăn ghế Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ghế này rơi vào tay Nguyễn Thanh Nghị.
Sự thất thế của Vương Đình Huệ trước Phạm Minh Chính khi đó, kéo theo sự thất thế của Đặng Quốc Khánh trước Nguyễn Thanh Nghị. Tuy nhiên, sau nửa nhiệm kỳ, thế trận giờ đã đổi thay nhiều.
Nay Phạm Minh Chính đang vất vả chống đỡ những đòn đánh từ phía ông Tổng Bí thư, thêm vào đó, ông Phạm Minh Chính bị lún sâu vào dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội, làm cho cả 2 lúng túng không biết đường gỡ. Lợi dụng thế rối rắm này, nhóm Nghệ – Tĩnh đã đưa Đặng Quốc Khánh về Chính phủ, trám vào chiếc ghế Bộ trưởng trống mà ông Trần Hồng Hà để lại. Ông Trần Hồng Hà cũng là người Hà Tĩnh.
Ngày 5/1, ông Trần Hồng Hà lên chức Phó Thủ tướng, nhưng ông này lại không chịu nhả ghế Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ra. Bởi lúc đó, nếu ông Hà nhả ghế Bộ trưởng, thì cấp phó sẽ lên nắm quyền, một khi đã nắm quyền Bộ trưởng, thì khả năng rất cao sẽ trở thành Bộ trưởng. Ghế Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được một người Hà Tĩnh giữ cho một người Hà Tĩnh.
Thực ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường không phải là Bộ lớn. Tuy nhiên, muốn lên được ghế Phó Thủ tướng, thì thường là phải kinh qua ghế Bộ trưởng. Cũng có trường hợp một bí thư tỉnh lên thẳng ghế Phó Thủ tướng, như trường hợp ông Lê Văn Thành, tuy nhiên, làm Bộ trưởng thì cơ hội lên Phó Thủ tướng cao hơn.
Như vậy, hiện nay Đặng Quốc Khánh và Nguyễn Thanh Nghị đều là Bộ trưởng như nhau. Ghế Phó Thủ tướng mà ông Lê Văn Thành để lại vẫn là chỗ mà Nguyễn Thanh Nghị nhắm đến. Nếu nói trước đây, Nguyễn Thanh Nghị là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Phó thủ tướng còn lại, thì nay đã có 2 ứng viên cho chiếc ghế này. Thế lực Hà Tĩnh vốn đã mạnh, mà còn liên minh với nhóm Nghệ An, nên giờ họ rất mạnh.
Thế của nhóm Nghệ – Tĩnh bây giờ như chẻ tre, ông Vương Đình Huệ đang tràn trề hy vọng nắm được ghế Tổng Bí thư, Lê Minh Hưng thì đang tràn trề hy vọng vào Bộ Chính trị, tất cả đều rất thuận lợi. Còn phe ông Nguyễn Tấn Dũng, tuy thân với ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhưng giờ đây, ông Chính cũng đang vất vả để tồn tại và chưa biết khi nào ông sẽ ngã nhào.
Vào năm 2021, Nguyễn Thanh Nghị đã vượt lên trước Đặng Quốc Khánh, nhưng giờ đây, cả 2 ngang bằng nhau. Hãy đợi xem khi thông tin chính thức xác nhận ông Lê Văn Thành không thể nắm chức Phó Thủ tướng nữa, thì ai sẽ vượt lên. Cơ hội của Nguyễn Thanh Nghị trước đây trên 50%, nhưng giờ đây chỉ còn 50% hoặc thấp hơn. Không cẩn thận, Nguyễn Thanh Nghị lại hỏng ăn trước Đặng Quốc Khánh.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: