Link Video: https://youtu.be/NuPW9B0ZEN4
Ngày 19/6, RFI Tiếng Việt có bài “Hạn hán, cắt điện gây tác hại cho nền kinh tế Việt Nam”.
Theo đó, tình trạng nắng nóng và hạn hán kéo dài từ nhiều tuần qua, nhất là ở miền Bắc Việt Nam, đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, trong nhiều lĩnh vực từ điện tử, xe hơi cho đến dệt may.
RFI cho biết, Việt Nam tiêu thụ điện ngày càng nhiều, nhưng các nguồn năng lượng ngày càng ít, nhất là vì để tuân thủ các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam buộc phải từ bỏ dần dần điện than. Riêng ở miền Bắc, phân nửa nhu cầu về điện được cung cấp từ các đập thủy điện. Nhưng hồ chứa của các đập thủy điện đang cạn dần do tình trạng hạn hán, nắng nóng, do những hiện tượng thời tiết cực đoan từ biến đổi khí hậu, khiến cho trở nên trầm trọng hơn.
RFI cho biết, hãng tin AFP dẫn lời ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong khi nguồn cung cấp điện bị suy giảm mạnh, thì mức tiêu thụ điện lại tăng thêm 20% do người dân sử dụng máy lạnh nhiều hơn trong cái nóng kỷ lục. Ông dự báo, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài đến tháng 7.
Theo hãng tin AFP, vào đầu tháng 6, tại nhiều vùng ở miền Bắc Việt Nam, nơi có nhiều nhà máy của các tập đoàn nước ngoài, nằm không xa thủ đô Hà Nội, chính quyền đã yêu cầu phải giảm phân nửa tiêu thụ năng lượng, do nguồn cung cấp bị thiếu hụt. Có những ngày, điện bị cắt nhiều giờ, đôi khi không có báo trước và cắt vào giờ chót.
RFI cho hay, những vụ cắt điện liên tục khiến các Phòng Thương mại Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đã yêu cầu Chính phủ Hà Nội có biện pháp nhanh chóng để ngăn chận cuộc khủng hoảng đang gây thiệt hại hàng triệu đôla.
RFI dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, “Đầu tư nước ngoài tuy vẫn vào Việt Nam, nhưng đã giảm sút”.
“Các nhà đầu tư cho chưa quyết định rời khỏi Việt Nam, nhưng vì bị cắt điện, nên một số doanh nghiệp không thực hiện được đúng kỳ hạn trong hợp đồng, tức là không giao hàng được đúng kỳ hạn và đấy cũng là điều đáng tiếc. Thiếu điện thì người lao động cũng bị ảnh hưởng đến đời sống, bởi vì bây giờ là mùa hè đang rất nóng, thiếu điện thì giấc ngủ sẽ không được tốt. Không có điện thì doanh nghiệp không hoạt động được, thu nhập của người lao động cũng sẽ bị giảm sút”.
RFI dẫn lời ông Susumu Yoshida, Phòng Thương mại Nhật Bản, một lần cúp điện có thể gây thiệt hại đến hơn 190.000 đôla cho 5 xưởng sản xuất trong một khu công nghiệp. Ông cũng cho biết là không thể nào thẩm định được tổng thiệt hại của các khu công nghiệp miền Bắc Việt Nam.
Hãng tin AFP cho biết, ông Hong Sun, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc ở Việt Nam, cảnh báo: “Vấn đề cúp điện sẽ rất nghiêm trọng không chỉ đối với các công ty đã đặt cơ sở ở Việt Nam, mà còn đối với chúng tôi, hiện đang cố thu hút các nhà đầu tư đến đây”.
Cũng theo RFI, tại Hải Phòng, nhiều hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hậu cần và vận chuyển hàng hải đã đệ đơn kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Lý do, cứ mỗi lần cắt điện hơn 6 tiếng đồng hồ, những doanh nghiệp này phải đền bù cho các tàu đang neo đậu chờ ở bến cảng. Những tàu này phải trả tiền neo đậu có thể lên tới 50.000, ngoài số tiền phạt khi giao hàng trễ.
RFI cũng cho biết, việc cắt điện cũng ảnh hưởng gián tiếp đến ngành du lịch, vì nó gây khó khăn cho các khách sạn và gây phiền hà cho du khách.
Thibaut Giroux, Chủ tịch của Stolz-Miras, một nhà thầu cho các công ty Nestlé, Unilever và Bayer, cho hãng tin AFP biết, chính quyền đã yêu cầu ông giảm 10% mức tiêu thụ điện từ nay đến năm 2025, cho dù nhà máy của công ty này đặt tại tỉnh Đồng Nai ở miền Nam, cách xa miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng cắt điện. Để đáp ứng yêu cầu đó, Công ty của ông Giroux, hiện cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam, phải giảm sản xuất vì chính các máy móc mới tiêu thụ nhiều điện. Nhưng ông than phiền: “Nếu làm như thế tôi sẽ chết dần chết mòn”.
RFI cho biết, Phòng Thương mại Nhật Bản cũng đã gửi cảnh báo: Nếu các biện pháp thích hợp không được triển khai, “một số công ty thành viên có thể xem xét chuyển một số cơ sở sản xuất” ra khỏi Việt Nam.
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Cần xóa bỏ việc hình sự hóa ngôn luận
>>> Giải pháp nào cho Tây Nguyên?
Công an Việt Nam “dũng cảm” như thế nào?