Để chuẩn bị cho Đại hội 12 thì trước đó 1 năm, các bên đã chạy đua để lôi kéo phe cánh cho trận “quyết chiến” vào tháng đầu tiên của năm 2016. Hầu hết các nhóm đều vận động trong nước, chỉ riêng ông Trọng có nước cờ táo bạo, đó là ông sang Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình trước 8 tháng.
Chỉ cần một lần gặp gỡ này thì lần lượt các nhân vật có tham vọng đều bị thất thế, trong đó có Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Tấn Dũng thì mất quyền lực, còn Trần Đại Quang thì còn chức vụ, nhưng lại bị đưa vào ghế không có mấy thực quyền.
Đại hội Đảng lần thứ 12 diễn ra đầu năm 2016. Ngay sau ngày bế mạc, đặc phái viên của Tập Cận Bình là Tống Đào đã sang gặp ông Nguyễn Phú Trọng. Cuộc gặp này được phía cung cấp tin cho chúng tôi cho biết, là bàn về việc để Cơ quan Tình báo Trung Quốc, tức Cục tình báo Hoa Nam, nhúng tay vào hỗ trợ. Có lẽ, lúc này ông Nguyễn Phú Trọng đã ngửi thấy mùi “tạo phản”.
Sau Đại hội 12 không lâu, phía Trung Quốc phát hiện nhóm liên minh Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh và Đinh La Thăng bắt tay nhau, muốn loại ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự việc bại lộ vào khoảng đầu tháng 7/2016, tức khoảng 6 tháng sau Đại hội 12. Thế là, chiến dịch thanh trừng bắt đầu.
Người mà ông Trọng nhắm vào đầu tiên là Đinh La Thăng, bởi Đinh La Thăng đang ở tận TP HCM, rất xa “mặt trời”, là cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời là ông vua một cõi của thành phố lớn nhất nước. Nếu để ông Thăng có đủ thời gian, thì ông này có thể làm loạn thật.
Nhân vật thứ nhì là Trần Đại Quang, người đang nắm chức Chủ tịch nước – hữu danh vô thực. Tuy nhiên, ông Quang còn nhiều đàn em cài lại tại Bộ Công an, nên cũng là nhân vật nguy hiểm. Người cuối cùng là ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, là người sát cánh bên ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng không lo nhiều về Đinh Thế Huynh, vì Ban Bí thư được ông Trọng kiểm soát hoàn toàn.
Việc bị bại lộ, ông Trọng cho đánh vào Đinh La Thăng. Để đánh được Đinh La Thăng thì phải bắt đầu từ Trịnh Xuân Thanh, một thuộc cấp của ông Thăng thời làm ở Tập Đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vào cuối tháng 7/2016, báo chí đồng loạt lên tiếng về vụ chiếc xe biển số xanh hiệu Lexus LX570 mà ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng là trái quy định. Từ một lỗi rất nhỏ, nhưng bị báo chí đồng loạt tấn công. Cảm thấy việc chẳng lành, Trịnh Xuân Thanh bỏ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, tìm đường chuồn ra nước ngoài.
Khi vụ việc bị lộ thì cả 3 nhân vật chính là Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh, đều bị giám sát nhất cử nhất động, bởi Tình báo Hoa Nam và cả Công an Việt Nam phối hợp. Dù đang tại chức, nhưng 3 người này không thể “đánh bài chuồn” như Trịnh Xuân Thanh, mà chỉ có thể ngồi đấy đợi đến “ngày phán quyết”.
Việc phải triệt hạ nhóm “tạo phản” là chắc chắn, nhưng không thể dùng lý do “phản Cách mạng”. Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn tỏ ra cho người dân thấy là, bên trong của họ mục nát, và có nhóm “tạo phản” âm mưu đảo chính ngầm. Cho nên, để hạ Đinh La Thăng, ông Trọng phải mượn một vụ án tham nhũng mà đánh, với việc kết tội ông theo “trách nhiệm người đứng đầu” và “cố ý làm trái”. Cách làm này tương tự như ông Tập Cận Bình thực hiện bên Trung Quốc. Lẽ ra, ông Trọng hạ Đinh La Thăng rất nhanh, nhưng vì Trịnh Xuân Thanh trốn chạy nên vụ án kéo dài và ồn ào.
Đối với ông Trần Đại Quang, thì ông Trọng nhờ Cục tình báo Hoa Nam ra tay. Nhân dịp Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc, diễn từ ngày 11 đến ngày 15/5/2017, Tập Cận Bình mời Trần Đại Quang sang thăm Trung Quốc. Đây là chuyến đi định mệnh của ông Quang.
Trần Đại Quang sau khi về nước thì phát hiện bị nhiễm “virus lạ”, và sau thời gian dài chữa trị tại Nhật, ông Quang đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/9/2018.
Còn ông Đinh Thế Huynh thì sau một thời gian bị giam lỏng ở ghế Thường trực Ban Bí thư, đến ngày 2/3/2018, ông Trọng lấy luôn chức Thường trực Ban Bí thư giao cho Trần Quốc Vượng. Ông Đinh Thế Huynh hiện nay được chế độ “bảo vệ” rất cao. Người cung cấp tin cho chúng tôi cho biết, Đinh Thế Huynh đang “ở tù tại gia”. Ông Đinh Thế Huynh vẫn là người bị ông Trọng xử lý nhẹ nhất.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)