Link Video: https://youtu.be/8_ee27bNYLc
Ngày 22/7, blog Gió Bấc trên RFA có bài “’Cơ chế cảm ơn”, chính phạm vụ án “chuyến bay giải cứu’”.
Theo đó, trong phiên tòa xử vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều tình tiết vui như vở tấu hài, các bị cáo cựu quan chức dạy dỗ đạo đức cho nhau, lẩy kiều, làm thơ, thậm chí còn chê cơ quan tố tụng phạm luật, lọt tội, cáo buộc oan sai.
Điều thú vị nhất là, theo tác giả, hầu hết các bị cáo nhận hối lộ từ năm bảy tỷ đồng đến 42 tỷ đồng, đều cho rằng, đó chỉ là quà “cảm ơn”. Những bị cáo bị buộc tội đưa hối lộ, đã đưa ra bằng chứng họ bị sách nhiễu, rúng ép, nếu không “cảm ơn” thì không được việc. Một cán bộ công an còn gợi ý thẳng thừng, phải thực hiện “cơ chế cảm ơn”.
Tác giả liệt kê một số bị cáo là quan chức nhận hối lộ trong vụ này, nhưng cho rằng, không lấy tiền của ngân sách nhà nước nên vô tội, như:
Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, vô tư nhận 5 tỷ đồng tiền “cảm ơn” của Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, lãnh đạo Công ty Bầu Trời Xanh.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng thừa nhận, đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, cho rằng mình làm đúng nhiệm vụ được giao, nghĩ doanh nghiệp đến “cảm ơn” sau khi xong việc, nên nhận tiền.
Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đã nhận hối lộ hơn 180 lần, với tổng số tiền là 42,6 tỉ đồng. Bị cáo Kiên khai, phần lớn các lần nhận tiền đều là, sau khi doanh nghiệp được bị cáo hỗ trợ, nên họ chủ động gọi để xin số tài khoản “cảm ơn”.
Tác giả nhận xét, nguồn gốc sâu xa của chế độ Cộng sản là áp đặt người dân trong cơ chế xin cho, và sự kiêu ngạo ban ơn của Đảng và nhà nước. Những công vụ, trách nhiệm của viên chức bộ máy nhà nước, đều được sùng kính long trọng bằng sự ban ơn. Ngay trách nhiệm bảo hộ, đưa công dân ở nước ngoài hồi hương trong mùa dịch, là trách nhiệm của mọi quốc gia, cũng được xem là sự ban ơn.
Tác giả dẫn báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an cao giọng ban ơn và răn đe những ý kiến phản biện vụ chuyến bay giải cứu:
“Tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu, theo hình thức, công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly.”
“Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.”
Tác giả bình luận, trong dịch bệnh, trách nhiệm nhà nước là phải hồi hương mọi công dân có yêu cầu, chứ sao lại là cho phép, lại còn phân loại công dân thuộc diện ưu tiên. Chính việc Đảng, Chính phủ tự biến trách nhiệm phải làm, thành quyền cho phép, lại đặt ra tầng nấc công dân thuộc diện ưu tiên, đã kích hoạt cho cơ chế xin cho và “cơ chế cám ơn” vận hành tác quái.
Tác giả dẫn lại lời khai của nhiều bị cáo là giám đốc doanh nghiệp, đã khẳng định bị Phạm Trung Kiên quát tháo, ra giá, thậm chí còn đe dọa “đã có chữ ký, rồi nếu không có tiền sẽ không có con dấu”.
Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 32 lần, tổng 25 tỷ đồng, cùng các bị cáo thuộc Cục Lãnh sự, gây khó khăn, nhũng nhiễu, không minh bạch, buộc doanh nghiệp chi tiền để được giải quyết thủ tục. Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, Lan tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay khi doanh nghiệp đã bán hết vé và thuê máy bay; sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, để doanh nghiệp “phải gặp chi tiền”.
Tác giả dẫn trường hợp của bị cáo Trần Thị Mai Xa, 35 tuổi, Giám đốc Công ty Masterlife, là một trong 23 lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố về tội đưa hối lộ. Giải thích việc Masterlife bị xác định là doanh nghiệp chi tiền nhiều thứ 6 trong vụ án, Giám đốc Xa cho rằng, do “thông lệ buộc phải theo”, “lần đầu đã bị ép đưa rồi, lần sau cứ thế phải đưa”.
Tác giả cho rằng, điều tệ hại hơn nữa là, ngay trước tòa, khi tự bào chữa hay nói lời sau cùng, Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan và tất cả các bị cáo là quan chức, không có chút thành tâm hối hận trước hành vi tàn ác của họ với đồng bào của mình. Họ trâng tráo, dối trá chối tội, liệt kê công vụ như một loại thành tích xin ân giảm tội, với đủ thứ điều kiện khó khăn, nghe rất nực cười.
“Ngạo nghễ” hơn nữa, Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, cho rằng, không yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền, việc nhận hối lộ là “thụ động” nên coi như “tôi số đen”. Dụ kể rằng, khi bị bắt, đã gọi về dặn vợ chuẩn bị 3 tỷ đồng và coi như “anh nghỉ dưỡng một thời gian rồi về”.
Nhưng, theo tác giả, suy cho cùng, cả những bị cáo quan chức này cũng chưa phải là chính phạm của đại án tham nhũng, hối lộ, trong “chuyến bay giải cứu”. Nói cách khác, họ chỉ là hệ quả phát sinh tất yếu của cơ chế xin – cho, “cơ chế cám ơn” mà Đảng Cộng sản đã tạo ra và nuôi dưỡng.
Còn độc tài đảng trị, còn trò hề “công cuộc đốt lò”, thì tham nhũng, hối lộ còn sinh sôi, không thua ruồi nhặng.
Thu Phương
>>> Campuchia: Hun Sen tuyên bố thắng cử.
>>> Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) khó thành hiện thực.
>>> Chùa Ba Vàng “choảng” nhau với Bộ Tài Chính.
>>> Đảng không dám thừa nhận tình hình kinh tế bi đát.
Việt Nam ngạo nghễ như AQ