Tờ báo Công an Nhân dân là tờ báo chuyên bao biện cho bộ máy công an, đó là nhiệm vụ của họ. Bất kể đúng sai, họ luôn bao biện. Họ thường đọc những tờ báo tự do và luôn đưa ra những luận điểm để phản bác, cho đến khi những bộ mặt công an bị lộ thì mới thôi. Mà việc bị lộ là kết quả của sự đấu đá nội bộ, chứ báo Công an không được phép nói ra sự thật, nếu sự thật đó chưa bị lộ. Tuyên giáo của Bộ Công an vẫn hành xử như thế. Không riêng gì tuyên giáo của Bộ Công an, mà tuyên giáo nói chung từ Trung ương đến địa phương đều như vậy. Cho nên, báo chí Việt Nam mới được dân “tặng” cho một từ không thể chính xác hơn, đó là “báo chí nô bộc”.
Ngày 23/7, tờ Công an Nhân dân có bài viết “Tiếp tục xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Những cuộc ngã giá bất thành”.
Bài báo này viết rằng, “Tự bào chữa tại phiên xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, nhiều bị cáo thừa nhận đã không vượt qua được cám dỗ về vật chất. Cũng từ lời bào chữa của nhóm các bị cáo là doanh nghiệp, việc đưa tiền cảm ơn cho các cựu quan chức, bản chất là những cuộc ngã giá để mong đạt mục tiêu được cấp phép chuyến bay”.
Thực chất, vụ án chuyến bay giải cứu chưa lôi ra được trùm cuối, đấy là lời khẳng định của người trong Bộ Công an giấu tên, chứ không phải ý kiến chủ quan của chúng tôi. Ở tầng trên, tầng dành cho những kẻ cao nhất, thì thường là không bắt bớ, mà là ngã giá chính trị.
Đánh nhau ở thượng tầng là để giành giật nhau về quyền lợi chính trị. Việc các bên kéo cấp dưới của nhau ra xử, đấy là cách tạo áp lực cho trùm cuối. Một khi trùm cuối nhượng bộ chính trị, thì trùm cuối được an toàn, nhưng đám lâu la bên dưới vẫn bị xử.
Ngày 4/2, tại Phủ Chủ tịch, nhân dịp được đăng đàn phát biểu để bàn giao nhiệm vụ cho cấp phó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chớp thời cơ nói rằng, “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng, liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.
Lẽ ra, cuộc ngã giá này không ai biết, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc không nói ra. Mà ông Phúc nói ra, chứng tỏ ông rất khôn và biết chớp thời cơ. Bởi nếu không công bố ra dư luận về cuộc ngã giá chính trị, rằng “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”, thì bên kia có thể lật kèo và hốt vợ con ông. Đấy là tín hiệu hiếm hoi cho thấy đã có cuộc ngã giá ở thượng tầng. Chỉ cần nhường lại quyền lợi chính trị, thì sẽ được yên thân, được sống sung túc đến già. Còn nếu muốn tranh quyền đoạt lợi, thì có thể sẽ là “Trần Đại Quang thứ nhì”. Đấy là nhận xét của những người bên trong chế độ.
Trở lại câu chuyện chuyến bay giải cứu, những người đứng trước vành móng ngựa được cho là thành phần bậc thấp, trùm cuối vụ này đã ngã giá xong, và cái giá là từ bỏ quyền lực. Chỉ có bậc trùm cuối và thân cận của trùm cuối mới được quyền ngã giá, còn lại, thành phần “tôm tép” thì phải bị “luộc chín”, để làm nên công trạng cho bên thắng cuộc. Những người này không thể ngã giá để thoát tội, bởi vì lệnh trên ban ra như thế. Nếu muốn ngã giá, thì chỉ được ngã giá giảm án, chứ không thể ngã giá để thoát tội được, nếu thoát tội hết, thì ai làm đẹp cho cái lò của ông Tổng?
Họ có thể đút tiền cho đường dây chạy án, để giảm từ án tử hình xuống án có thời hạn, hoặc giảm từ mức án cao xuống mức thấp hơn. Phiên tòa chuyến bay giải cứu này có thể có một số án đã được ngã giá xong. Hiện có một án tử và có thể cũng sẽ ngã giá xong trước khi kết thúc phiên tòa.
Hoàng Văn Hưng và Nguyễn Anh Tuấn là hai nhân vật tham ăn mà không chịu tuân theo luật chơi, nên mới bị sa lưới. Những người đã bị ấn định là phải thành củi, thì họ phải bị truy tố. Việc chạy án cũng phải đúng nơi, đúng lúc, còn cứ thấy tiền là đớp, thì thành phần nhận tiền chạy án cũng sẽ trở thành củi.
Thu Phương (Tổng hợp)
Link tham khảo: