Link Video: https://youtu.be/g5jV9_4U4xM
Ngày 3/8, trên trang Facebook cá nhân của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu có bài “Bộ Tổng tham mưu và Bộ Nội vụ” bình luận về kế hoạch sáp nhập quận huyện do Bộ Nội vụ đề xuất.
Tác giả cho rằng, chiến dịch quân sự được tiến hành theo phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu. Chiến trận giữa hai bên, thắng thua phụ thuộc phần nhiều vào Bộ Tổng tham mưu. Bộ Tổng tham mưu giỏi thì ít địch được nhiều. Bộ Tổng tham mưu kém thì nhiều mà thua ít. Cho nên, một quốc gia muốn có quân đội mạnh thì phải có một Bộ Tổng tham mưu giỏi, với một Tổng Tham mưu trưởng tài ba.
Tác giả nhận xét, ở nước ta, về cơ bản, cơ chế vận hành ở lĩnh vực quản trị hành chính tuân theo các quy định có nguồn gốc từ Bộ Nội vụ. Vai trò của Bộ Nội vụ trong quản trị quốc gia, được ví như vai trò của Bộ Tổng tham mưu trong chiến tranh.
Bộ Nội vụ giỏi thì phương án quản trị quốc gia tốt. Bộ Nội vụ kém thì phương án quản trị quốc gia tồi. Bộ Nội vụ muốn giỏi, thì trước hết Bộ trưởng phải là người tài giỏi. Nếu Bộ trưởng Bộ Nội vụ không tài giỏi, thì phương án quản trị quốc gia đưa ra không thể sáng suốt. Một đầu bếp tồi không bao giờ cho ra một bữa tiệc ngon.
Theo tác giả, những người đã trải qua đào tạo đại học, đều thấy rõ, không có một cơ sở khoa học nào để quy định rằng, “đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000 người trở lên” và “trong 2 năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập”.
Tác giả nêu ra những thắc mắc:
– Tại sao là 35 km2 mà không phải 50 km2, 100 km2?
– Tại sao là 150.000 người, mà không phải 500.000 người, 1.000.000 người?
– Tại sao dưới 20 % diện tích thì phải sáp nhập, mà không phải 25%, 30 %, 50%?
Tác giả lập luận, diện tích quận Hoàn Kiếm là 5,29 km2, quận Ba Đình là 9,25 km2, quận Hai Bà Trưng là 10,26 km2. Sáp nhập cả ba quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng vẫn chưa đủ tiêu chí 35 km2. Nếu thay vì dưới 20% mà nâng lên dưới 30%, thì không riêng Hoàn Kiếm, mà cả Ba Đình và Hai Bà Trưng đều phải sáp nhập.
Những bất cập của sáp nhập quận, huyện, phường, xã, đã được dư luận xã hội phản ánh liên tục và rộng rãi. Nhưng dường như, chưa được các cơ quan có thẩm quyền chú tâm đến.
Tác giả đặt ra các nghi vấn:
– Hoặc là “thực đơn” của Bộ Nội vụ về sáp nhập quá “tuyệt hảo”?
– Hoặc là sự mê hoặc của các con số giảm biên chế?
– Hoặc là sự bất khả xâm phạm của các nghị quyết?
Tác giả nêu quan điểm, giảm biên chế phải dựa trước hết vào ứng dụng công nghệ, và tạo việc làm mới. Chứ không trông chờ vào sáp nhập. Sáp nhập không đơn thuần là phép tính cộng, tạo ra cảm giác được thêm, mà tưởng là vô hại. Sáp nhập có thể huỷ hoại văn hoá, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, và sự kế thừa tinh hoa.
Các vị đứng đầu nhà nước, cụ thể là Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, và Vương Đình Huệ, dù rất bận nhiều việc, nhưng rất cần quan tâm đúng mức đến việc sáp nhập quận, huyện, phường, xã, không chỉ dựa chủ yếu vào đề xuất của Bộ Nội vụ.
Thông tin trên mạng xã hội cũng là một nguồn dữ liệu quan trọng để soi xét sự đúng đắn các quyết định về quản trị quốc gia. Luật là do con người đưa ra. Đưa ra được thì cũng sửa đổi, hoặc xóa bỏ được.
Tác giả nhận định, nguy cơ xóa bỏ những tên gọi huyền thoại như “Hoàn Kiếm”, “Ba Đình”, “Hai Bà Trưng”, động đến thần linh và lịch sử, cuối cùng sẽ thức tỉnh những cơn mê giáo điều.
Nếu sự tự mãn thắng thế thì cũng sẽ bị đời sau bác bỏ.
Bài viết nhận được 2,5 ngàn lượt “Thích” và “Yêu thích”, hơn 400 lượt chia sẻ, cùng với hơn 530 bình luận, mà đa số là đồng tình với quan điểm của tác giả. Điều này cho thấy “lòng dân”, tuy nhiên, dù lòng dân thế nào thì e rằng cũng khó có thể lay chuyển được “ý Đảng”.
Ý Nhi
>>> Việt Nam ngày càng bóp nghẹt Quyền ngôn luận.
>>> Vì sao báo chí Việt Nam phải ký kết “tay tư”?
>>> Một Facebooker tại Sài Gòn bị an ninh đưa về đồn tra khảo
>>> Quan hệ Việt Nam – Campuchia có được cải thiện dưới thời ông Hun Manet?
Xin đừng sáp nhập, xin đừng đổi tên.