Link Video: https://youtu.be/hVxaij-cDsM
Ngày 2/8, RFA Tiếng Việt có bài “Báo chí “bắt tay” tuyên giáo, Bộ 4T và doanh nghiệp: “sáng kiến” hay “liên kết lợi ích”?”
Theo đó, ngày 25/7 đã diễn ra một sự kiện ký kết giao ước, được cho là “tay tư”, giữa đại diện lãnh đạo giới báo chí, truyền thông thông nhà nước Việt Nam thông qua Hội nhà báo Việt Nam, Ban tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông, với giới doanh nghiệp Việt Nam thông qua Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp (VCCI).
RFA cho biết, báo Công an Nhân dân online dẫn thông điệp của một quan chức, đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Trung ương Hội nhà báo Việt Nam, cho hay, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí nhà nước đang dần bị thu hẹp, bởi “các doanh nghiệp Việt Nam đang chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo của các kênh thông tin nước ngoài. Song trong số những kênh thông tin này, có rất nhiều kênh lại lan tỏa thông tin sai lệch, không đúng đắn…”
RFA dẫn quan điểm của một đại diện lãnh đạo giới doanh nghiệp Việt Nam, thông qua VCCI, cho rằng:
“Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của doanh nghiệp, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp… Sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên.”
Từ Berlin, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo bình luận với RFA rằng:
“Tất nhiên ký kết là quyền của họ thôi, họ muốn làm gì chẳng được, với một quyền lực ngầm, cũng như quyền lực công khai như vậy, nhưng điều ấy rõ ràng đi ngược lại phương thức hoạt động của báo chí, của tự do báo chí. Báo chí là một lực lượng giám sát, một lực lượng để làm minh bạch hóa, kể cả những sự minh bạch hay thiếu minh bạch, có lợi hay bất lợi cho người tiêu dùng, tất cả những cái đó phải minh bạch.”
“Doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tỷ đồng, để mua thời lượng quảng cáo ở trên một tờ báo, để quảng bá cho cái hay, cái tốt của mình, và giấu nhẹm đi những cái xấu, những cái “lừa dối” người tiêu dùng, những sự “lừa lọc”, những “sự phản phúc’”.
“Tất nhiên, khi đã có sự can thiệp của ngành tuyên giáo, báo chí sẽ không dám viết những phóng sự điều tra, hay những tin tức mà làm minh bạch hóa các doanh nghiệp ấy, về những cái xấu chẳng hạn, điều đó rất ảnh hưởng đến tự do báo chí và người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi, xã hội sẽ bị thiệt thòi.”
RFA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng:
“Nếu báo chí và ngành truyền thông Việt Nam muốn lấy được các hợp đồng quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam, chính họ phải thay đổi. Họ phải có nhiều độc giả.”
“Nhưng họ lại vướng vào một mâu thuẫn là họ không thể nói được những gì họ muốn nói, bởi vì người dân cần thông tin trung thực và nhiều chiều. Việc định hướng thông tin và chỉ đưa tin một chiều làm mất đi độc giả.”
Đồng quan điểm, RFA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A:
“Báo chí của Việt Nam không phải là báo chí theo đúng nghĩa của nó, tức là đưa tin, chỉ đưa tin một cách khách quan và có những bình luận riêng về ý kiến của các chuyên gia… nó là đội quân của “cảnh sát tư tưởng” theo một nghĩa nào đó. Và bây giờ số lượng ngày càng đông, mà ngân sách thì hạn hẹp.”
Theo ông Quang A, trước kia “chỉ cần ra một mệnh lệnh là các doanh nghiệp quốc doanh này phải mua quảng cáo của các báo ngay”. Nhưng bây giờ các doanh nghiệp quảng cáo trên YouTube, Facebook rất nhiều. Do đó, báo chí phải kêu gọi “các doanh nghiệp tư nhân phải mua quảng cáo của các báo, để tạo nguồn vật chất, tức là thực sự là tiền cho nó hoạt động”.
Ông Quang A chỉ ra một hiện tượng gọi là “quảng cáo núp bóng”, đã diễn ra hàng chục năm, theo đó “các báo giả vờ viết bài, đưa tin về doanh nghiệp, mà thực sự bài đó là bài quảng cáo”. Tất nhiên, tác giả các bài viết đó được doanh nghiệp trả rất hậu hĩnh. Ông cho rằng, đây là “một sự vi phạm luật pháp”, là tai họa, bởi “nó làm cho sự hoạt động minh bạch tử tế của một nền báo chí bị hoen ố đi và tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu rất đáng báo động”.
Thu Phương
>>> Người Philippines có những hành động chống Việt Nam
>>> Khái niệm “tiền công đức” là gì?
>>> “Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một thực thể địa chính trị mới
>>> Câu chuyện kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam.
Việt Nam ngày càng bóp nghẹt Quyền ngôn luận.