Link Video: https://youtu.be/2F8X5T3-KGg
Ngày 6/8, Luật sư Ngô Ngọc Trai có bài viết với tựa đề “Nhà nước nên ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và minh oan cho Hồ Duy Hải”, đăng trên một trang báo tiếng Việt của nước ngoài.
Là luật sư lâu nay đã làm việc với những vụ án của tử tù kêu oan, cho nên tác giả cũng biết thông tin về vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Theo tác giả, để ý thì thấy, mới đây, báo chí đưa tin bên Singapore bắt đầu thi hành tử hình lại sau gần 20 năm, bắt đầu với một tử tội mua bán 30 gam ma túy. Có thể, ai đó cho rằng, khi có thông tin sự việc bên Singapore, thì đó cũng là môi trường thông tin thuận lợi để tiến hành việc thi hành các bản án tử hình, trong đó có tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Tác giả cho rằng, các cấp lãnh đạo nhà nước cấp cao hơn cần dừng lại việc này, bởi nếu nhìn qua sự việc thì thấy, việc thi hành án tử hình ở bên Singapore và Việt Nam không có gì khác nhau, nhưng đằng sau đó, hai nước khác nhau một thứ, đó là về vốn liếng xã hội.
Tác giả nhận xét, không biết, ở bên Singapore, người dân dành nhiều niềm tin vào những hoạt động đúng đắn của bộ máy hành chính tư pháp công bao nhiêu, nhưng có thể hình dung rằng, ở bên Singapore, người dân ít nghi ngờ vào quá trình điều tra xét xử của tòa án.
Cái người ta băn khoăn chỉ là án tử hình có đúng là phù hợp với mong muốn của người dân về công lý, và việc thi hành án tử hình có đi ngược lại các giá trị về quyền con người.
Trong khi đó, tác giả phân tích, ở Việt Nam lâu nay, việc điều tra truy tố xét xử một số vụ án còn để lại nhiều băn khoăn. Bản thân các cơ quan nhà nước cũng đã nhiều lần thừa nhận rằng, vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động tố tụng.
Tác giả nêu dẫn chứng điển hình, như vụ Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bắt giữ một Thẩm phán của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai, về tội xâm phạm các hoạt động tư pháp, vào ngày 4/8.
Thêm vào đó, bối cảnh xã hội hiện nay cũng còn nhiều vấn đề thiếu tích cực, kinh tế tăng trưởng chậm, công nhân thất nghiệp, nhiều vụ việc pháp lý trước đó cũng đã để lại những băn khoăn bàn luận rất lớn trong công chúng.
Trong bối cảnh như vậy, tác giả cho rằng, không nên tạo ra một sự vụ gây náo động như thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Thay vào đó, nhà nước nên thực hiện nhiều việc để ổn cố trật tự lương tâm xã hội, gây dựng vốn xã hội, việc nên làm là hoãn thi hành và ân xá cho tử tù.
Từ vụ Nguyễn Văn Chưởng, tác giả cũng đề cập đến vụ Hồ Duy Hải. Tác giả băn khoăn về những dấu vân tay thu giữ được ở hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi, qua giám định, đã cho kết luận không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải, vậy thì đó là dấu tay của ai?
Đây là chứng cứ đặc biệt quan trọng nhưng lại bị bỏ lửng trong hồ sơ vụ án.
Tác giả đề xuất, nếu tiến hành tra soát, đối chiếu với kho dữ liệu dấu vân tay của người dân cả nước khi làm thẻ căn cước công dân, thì có thể tìm ra được người có dấu vân tay trùng khớp, và đó chính là thủ phạm gây án.
Tác giả từng đọc được bài báo về vụ án oan của nước Anh, mặc dù vụ án cũng đã tìm ra được thủ phạm từ mấy chục năm trước, nhưng tới nay, với những cơ sở bằng chứng mới đưa đến nghi ngờ oan sai, thì người ta đã xem xét lại và minh oan cho người bị coi là thủ phạm.
Để làm được điều này, thì trước đó, có một số lượng công chúng cùng nhau ký đơn thỉnh nguyện thư gửi đến tòa án, nên cảnh sát và tòa án nước Anh đã xem xét lại vụ việc.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, điều này chưa có tiền lệ ở Việt Nam và tác giả hy vọng vụ án Hồ Duy Hải sẽ được xem xét lại, dù là theo một cách thức đơn giản hơn.
Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và sự dễ dàng tiện dụng trong tra cứu, thì đó chính là lý do hợp lý để thực hiện việc này. Làm sáng tỏ một bằng chứng pháp lý liên quan tới tước đoạt mạng sống con người, để yên lòng công chúng, là điều mọi nhà nước đều nên làm.
Ý Nhi
>>> Chuyện “bảo hiến” và án oan sai
>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?
>>> Làm thế nào để các nạn nhân vụ “giải cứu” đòi công lý?
>>> Vì sao VinFast lại huy động trái phiếu vào lúc này?
Tư duy của nền tư pháp Việt Nam vượt ra khỏi mọi sự hiểu biết, lương tri và lẽ thường