Link Video: https://youtu.be/7AqoMPshddc
Ngày 6/8, báo Đất Việt có bài “Luật sai thì phải sửa luật, chứ sao lại hết đường?” của tác giả Thái Hạo.
Theo đó, tư duy pháp luật của Nguyễn Văn Hiện hay của nền tư pháp nói chung, nó vượt ra khỏi sự hiểu biết, lương tri và cái lẽ thường tình mà không đâu trên trái đất này có thể hiểu được.
Được biết, ông Nguyễn Văn Hiện, sinh năm 1954, có bằng Tiến sĩ Luật, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhiệm kỳ 2011 – 2016. Trước nữa, ông từng làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từ 2002 đến 2007.
Vào tháng 3/2015, phát biểu về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, ông Hiện khẳng định:
“Vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng đã hết đường kháng nghị”. Bởi ông cho rằng, vụ án đã có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, đã là quyết định cuối cùng, nên giờ có thấy sai cũng không thể kháng nghị. Phát biểu này được ông Hiện nêu ra trong phiên họp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.
Tác giả Thái Hạo nhận xét, từ xưa, ở cả Việt Nam, Tàu, Tây, một tử tù ngay cả khi đã bị đưa ra pháp trường và kê đầu vào máy chém, nhưng nếu đột ngột phát hiện ra người ấy bị oan, thì lập tức phải dừng hành hình và được cứu sống.
Đó là cái lẽ thường mà hễ cứ là con người thì tất yếu làm thế.
Với khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiện, một người từng là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thì tác giả không thể hiểu nổi, trên đời lại có thứ luật như thế.
Tác giả cho rằng, không phải chỉ đối với người đang bị đưa ra pháp trường đâu, ngay cả người đã chết oan rồi, nhưng sau đó mới phát hiện ra “sai sót”, thì triều đại sau, chính quyền sau, vẫn sẽ phải chuộc lỗi mà thực hiện sự minh oan cho họ kia mà?
Tác giả nhắc lại vụ án oan Lệ Chi Viên, với cái chết đầy oan ức của Nguyễn Trãi, cùng với việc tru di tam tộc, nhưng sau đó được vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết?
Tác giả cũng nhắc đến vụ án Phan Thanh Giản. Năm 1868, triều đình Huế đã tuyên bố xử trảm ông (nhưng vì ông đã chết nên không cần thi hành nữa), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Đến năm 1886, tức là 18 năm sau khi chết, ông được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá Đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ.
Tác giả nhấn mạnh, chết rồi mà còn thế, huống chi là người còn sống, nhưng phát hiện “sai sót”, mà lại vẫn để cho chết?
Tư duy pháp luật của Nguyễn Văn Hiện hay của nền tư pháp nói chung, thú thật, nó vượt ra khỏi sự hiểu biết, lương tri và cái lẽ thường tình mà không đâu trên trái đất này có thể hiểu được.
Tác giả xin được bày tỏ lòng kinh ngạc tột độ với các vị.
Luật sai thì phải sửa luật, chứ sao lại “hết đường”? Biết sai mà vẫn làm thì có khác gì cố ý giết người?
Một nhà bình luận chính trị khác là Nguyễn Anh Tuấn đưa ra nhận xét, nền tư pháp hình sự của Việt Nam hết hạn sử dụng, bởi trong khi tước đoạt gần như mọi quyền của bên bị buộc tội, nó lại ban cấp quyền lực tuyệt đối cho bên buộc tội, mà trong khuôn khổ chế độ đảng trị, đó chính là cơ quan công an.
Nền tư pháp Việt Nam đang như một con thú dữ, có thể ăn thịt mọi con mồi được đưa đến trước mặt nó. Khi Đinh La Thăng trong lời cuối cùng nói trước tòa, chỉ xin được đối xử như một con người, thì có thể thấy, con thú này có thể ăn thịt cả những kẻ nuôi nó, một khi kẻ đó sa cơ lỡ vận.
Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, giải thoát con thú này bằng một chương trình cải tổ tư pháp dựa trên quyền con người, chẳng những sẽ giúp giải tỏa u ám của đời sống quốc gia, mà còn trao tặng cho những người nắm quyền hiện tại một gói bảo hiểm phẩm giá.
Rằng có thế nào thì họ vẫn sẽ được đối xử như một con người.
Quang Minh
>>> Chuyện “bảo hiến” và án oan sai
>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?
>>> Làm thế nào để các nạn nhân vụ “giải cứu” đòi công lý?
>>> Vì sao VinFast lại huy động trái phiếu vào lúc này?
VinFast có nhận được ưu đãi tại Carolina?