Làm án khống rồi sau đó chạy án, để tòa án và viện kiểm sát ép bị cáo, là cách làm đáng tởm của công an điều tra Việt Nam hiện nay. Một nguồn tin từ bên trong cho chúng tôi biết như thế.
Lâu nay, người ta thường nghĩ, việc chạy án là chỉ có bị can chạy án để giảm nhẹ tội cho mình, hay kẻ thù của bị can chạy án để làm nặng tội thêm cho bị can. Tuy nhiên, đấy chỉ là bề nổi. Sự thật bên trong còn đáng sợ hơn nhiều.
Hiện nay, có người cho chúng tôi biết, Công an Cộng sản làm án rất tùy tiện, chỉ cốt để hoàn thành nhiệm vụ, để lập thành tích, bất kể có oan sai hay không. Đến khi sự việc có nguy cơ bị lộ, thì họ lại đi trước một bước. Họ dùng tiền để chạy cho tòa án và viện kiểm sát, đổ tội cho bị cáo, dù hồ sơ điều tra có nhiều lỗ hổng. Đấy là cách khỏa lấp tội ác của công an điều tra. Và đây cũng là lý do tại sao lại có nhiều án oan trong ngành tư pháp Việt Nam.
Vụ án Hồ Duy Hải là kiểu mẫu về trường hợp này. Bộ máy tố tụng của chính quyền Cộng sản, từ địa phương đến Trung ương đều toa rập với nhau, ca cùng một bài ca, mặc dù bằng chứng ngụy tạo đã rõ mười mươi.
Bắt đầu là Công an tỉnh Long An thực hiện công tác điều tra, chính những người làm công tác điều tra này đã cố ý bóp méo hồ sơ vụ án, ngụy tạo chứng cứ. Đây được xem như là trường hợp làm án khống, tức là, chụp mũ là bị can có tội, trong khi những bằng chứng không chứng minh được điều đó.
Việc làm án khống có nhiều nguyên nhân. Có thể là do nghiệp vụ kém cỏi, có thể là do bị mua chuộc bởi hung thủ thật vv… Thông thường, những cách làm án khống này sẽ bị ém chìm xuồng và tòa án sẽ kết án oan cho bị cáo.
Tuy nhiên, “đi đêm có ngày gặp ma”, hiện tượng làm án khống rồi cũng có ngày lòi mặt chuột. Như vụ án Hồ Duy Hải, cả mạng xã hội và báo chí vào cuộc, làm bung bét mọi thứ khiến những trò làm án khống bị phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. Để khỏa lấp điều này, bọn làm án khống sẽ bỏ tiền ra chạy chọt, để tòa án và viện kiểm sát phải dứt khoát đè bẹp sự phản kháng của bị cáo.
Trong một đường dây chạy án, luật sư chính là cò chạy án. Trong vụ án Hồ Duy Hải, bị cáo này đã trải qua nhiều luật sư bào chữa, trong đó, có luật sư nhận bào chữa, nhưng trong quá trình điều tra và trong phiên sơ thẩm, lại có dấu hiệu cấu kết với Công an Long An làm án khống, để ép Hồ Duy Hải vào tội chết. Ngoài luật sư thì cả 3 cơ quan tố tụng đều biết nhau. Bọn họ dễ dàng trao tiền chạy án cho nhau, để lái vụ án theo ý muốn của họ.
Vụ án Hồ Duy Hải đã sai ngay từ đầu, tuy nhiên, nếu để tòa phán quyết là không đủ cơ sở để kết tội Hồ Duy Hải, thì điều đó đồng nghĩa với việc Công an Long An làm án khống. Cho nên, lỡ phóng lao thì phải theo lao, Công an Long an nhét tiền cho Tòa án và Viện Kiểm sát trong hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm.
Sau 2 phiên xử này, vụ án vẫn bị mạng xã hội phản đối. Cuối cùng, vụ án được đưa lên cấp cao nhất, tức là Giám đốc thẩm. Nếu Giám đốc thẩm mà xác định không đủ cơ sở để kết tội Hồ Duy Hải, thì những kẻ làm án khống và kết tội oan có thể mất chức, thậm chí có nguy cơ bị truy tố. Và vì thế, nhóm đã ép Hồ Duy Hải vào con đường chết trong hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, lại tiếp tục chạy án lên cấp giám đốc thẩm. Và đó là lý do tại sao cả bộ máy chính quyền quyết ép chết Hồ Duy Hải.
Trường hợp Nguyễn Văn Chưởng cũng tương tự như Hồ Duy Hải. Vụ án này bị Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca làm án khống, và từ đó, cả Tòa án và Viện Kiểm sát cùng cấp toa rập theo mà ép Nguyễn Văn Chưởng.
Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải chỉ là những trường hợp mà xã hội biết đến, còn rất nhiều trường hợp khác, nạn nhân bị oan nhưng không có cách nào kêu oan, sau đó bị hành hình, và thế là vụ án kết thúc. Cái đáng sợ của bộ máy tố tụng Cộng sản nó như thế. Công lý vắng bóng, oan sai tràn lan.
Thu Phương – (Tổng hợp)