Link Video: https://youtu.be/BSvz2a86U3s
Ngày 16/8, báo Người Việt có bài “Phiên tòa vụ Việt Á chưa mở, Việt Nam đã tính “tha, miễn tội”.
Theo đó, hiện tại, công luận chưa rõ liệu phiên tòa vụ Việt Á dự kiến được mở trước cuối năm nay, có lặp lại quy trình hoãn tòa, để cho các bị cáo nộp tiền “khắc phục hậu quả”, tương tự phiên tòa “chuyến bay giải cứu” hay không.
Bài báo cho biết, trong lúc, thời điểm mở phiên tòa xử vụ Việt Á chưa được công bố, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh tiếng trước rằng, sẽ có nhóm bị can “được tha, miễn tội”.
Theo báo Người Việt, báo Dân Trí hôm 16/8, dẫn lời ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, về chủ trương “phân loại xử lý tội phạm” trong vụ án Việt Á. Theo đó, vụ Việt Á được chia nhỏ ra thành 33 vụ án, với 111 bị can.
Ông Yên cho biết: “Có nhóm [bị can] được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh và không có động cơ vụ lợi. Họ không được hưởng lợi, ở tuyến đầu chống dịch và chủ yếu vi phạm trong hoạt động đấu thầu.”
“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra và cần kit xét nghiệm ngay, những người nhận chỉ đạo từ cấp trên, có người đã phải làm mọi cách để có kit xét nghiệm cho dân, nhưng đó là vì cái chung,” ông Yên nói.
“Vi phạm đã để lại hậu quả lớn, hành vi sai có hậu quả phải xử lý, nhưng bối cảnh như thế nên Ban Chỉ đạo [Trung ương về Phòng chống Tham nhũng] thống nhất chủ trương tha, miễn cho nhóm này. Tất cả hậu quả của sai phạm chỉ xử lý với người chủ mưu, cầm đầu và kẻ hưởng lợi”, theo báo Dân Trí.
Tuy vậy, báo Người Việt bình luận, ông này không đề cập cụ thể danh tính các quan chức nào “may mắn” được xếp vào nhóm bị can “được tha, miễn tội” trong vụ Việt Á.
Ông Nguyễn Văn Yên cũng nhấn mạnh: “Đây là chủ trương khoa học, biện chứng, nhân văn, nhân ái, nhưng cũng rất nghiêm khắc.”
Báo Người Việt cho biết thêm, liên quan Công ty Việt Á, hồi trung tuần tháng trước, bị cáo Phạm Văn Thành, 45 tuổi, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, bị kết án ba năm tù treo với cáo buộc “thiếu trách nhiệm” khi mua sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Việt Á.
Theo cáo trạng, hồi đầu năm 2021, khi COVID-19 lây lan khó kiểm soát, bị cáo Thành, khi đó làm Bí thư kiêm Chủ tịch thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đã liên hệ ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, mua vật tư sinh phẩm xét nghiệm.
Trong vụ này, bị cáo Thành cùng các thuộc cấp từ tháng 4 đến tháng 7/2021, đã thực hiện không đúng quy trình nghiệm thu, thanh toán số lượng kit xét nghiệm, kit tách chiết cho Công ty Việt Á, gây thiệt hại 7.3 tỷ đồng (tương đương 304,865 đô la Mỹ) cho ngân sách nhà nước.
Bản án treo được tòa tuyên cho bị cáo Phạm Văn Thành, sau khi ông này “chủ động huy động các doanh nghiệp hỗ trợ, bù lại toàn bộ số tiền hơn 18 tỷ đồng (tương đương 751,723 đô la Mỹ) mà thị xã Đông Triều đã trả cho Việt Á”.
Vụ Việt Á là một vụ án hình sự điển hình về “tham nhũng có hệ thống”, đặc biệt nghiêm trọng, về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ và nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đây là một trong các vụ đại án tham nhũng tại Việt Nam thời gian vừa qua, liên quan đến 25 địa phương, đơn vị. Trong vụ này có 3 ủy viên Trung ương Đảng bị khởi tố, bắt tạm giam. Số tiền kê biên, phong tỏa, các bị can nộp để khắc phục hậu quả đã lên tới 1.670 tỷ đồng và có thể còn tăng khi vụ án được đưa ra xét xử.
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong lúc bàn giao với người kế nhiệm đã tuyên bố rằng, gia đình ông không có dính líu gì đến vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty Việt Á
Hoàng Anh
>>> Bảy tổ chức XHDS độc lập, đề nghị huỷ việc “tách nhập” các địa phương.
>>> Đảng đã vũ khí hoá cuộc chiến chống tham nhũng
>>> Đổ hết tiền vào công an – Đảng chia bạc lẻ cho giáo dục!
>>> Cộng đồng mạng nhận định về cổ phiếu Vinfast ngày đầu lên sàn
VinFast được định giá “hào nhoáng” trong khi đang phải chịu nhiều áp lực