Việt Nam gia tăng đàn áp tôn giáo độc lập

Link Youtube: https://youtu.be/huZ4EpHwy8U

Ngày 21/8, một trang tin quốc tế tiếng Việt có bài “Việt Nam “quản chặt” các tín đồ tôn giáo độc lập”.

Theo đó, ở Việt Nam, những người muốn sinh hoạt tôn giáo một cách độc lập luôn đối mặt nguy cơ bị chính quyền ngăn cản, sách nhiễu. Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập là người bản địa cho biết, họ thậm chí bị đàn áp ngày càng nặng nề hơn.

 

Nhân ngày Quốc tế Tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo hành dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng (22/8), bài báo dẫn lời một người Thượng là tín đồ Tin Lành đấng Christ, hiện đang ở Đắk Lắk, cho biết:  

“Trong bảy ngày qua, ngày nào công an cũng qua nhà, không cho mình sinh hoạt, nhóm lại với nhau thờ phượng Chúa. Công an qua nhà bảo là không được tổ chức tưởng niệm ngày 22/8.”

Người này cho biết thêm rằng, tình hình càng bị siết chặt hơn từ sau vụ tấn công hai đồn công an xã ở tỉnh này vào ngày 11/6 vừa qua.

“Mỗi tuần (công an) xuống ít nhất ba lần. Họ nhắc không được sinh hoạt tập trung nhiều người, nếu không là sẽ bắt và xử lý theo pháp luật nhà nước Việt Nam. Hội Thánh của chúng tôi bây giờ coi như là tan rã.”

Bài báo dẫn lời một số tín đồ khác cho biết:

“Sắp tới đây, họ sẽ phát động quần chúng tại buôn làng, bắt chúng tôi phải nói trước dân là Giáo hội Tin Lành Đấng Christ là giáo hội chống lại Nhà nước Việt Nam. Họ nói sẽ viết sẵn một bản cam kết, để những người theo Tin Lành Đấng Christ ký cam kết bỏ đạo.

Nếu mà tôi có nói vậy thì cũng vì nhà nước ép buộc, áp lực tôi phải nói như thế. chứ tôi không muốn.”

Bên cạnh đó, bài báo dẫn lời ông Tran Mannrinh, một người Khmer Krom, hiện đang ở bang Pennsylavia, Hoa Kỳ, cho biết, hơn 90% những người Khmer bản địa sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long đều theo Phật giáo nguyên thuỷ, hay còn gọi là Phật Giáo Nam Tông.

Họ cũng không được thành lập Giáo hội riêng mà phải buộc gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Chính phủ.

“Không chỉ Ban chủ trì của chùa, mà Phật tử muốn tổ chức sinh hoạt tôn giáo, cũng phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Đó là một sự vi phạm hết sức trắng trợn tôn giáo của chúng tôi.

Ngày xưa, con dấu của mỗi ngôi chùa đều có chữ Khmer, nhưng mà bây giờ, họ tịch thu hết và phát lại cho chùa một cái mộc mới, mà hoàn toàn không có một chữ Khmer nào.” 

Hình: Ủy ban Tự do Tôn giáo Hòa Kỳ từng cáo buộc Việt Nam đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng

Ông Mannrinh lấy ví dụ, năm 2020, một vị sư tên Thạch Chanh Đa Ra cùng một số sư sãi xây dựng một ngôi chùa ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2021, người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến làm việc, yêu cầu các sư thầy ở đây phải sinh hoạt theo tôn chỉ của Giáo hội nhưng bị từ chối. Tháng 3/2021, chính quyền huyện Tam Bình, Vĩnh Long tiến hành cưỡng chế, di dời các tượng Phật ra khỏi ngôi chùa này.

Theo ông Mannrinh, việc chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử đối với người Khmer Krom là không thể chối cãi:

“Ở vùng bản địa Khmer Krom đang sinh sống, không có một dự án nào quy mô. Từ Sài Gòn xuống Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có một quãng đường từ Sài Gòn đến Mỹ Tho có cao tốc tốt thôi, tất cả mọi thứ họ dồn hết cho miền Bắc.

Một mặt thì nhà nước nói ra rả ở trên đài rằng, đề cao phong tục, ngôn ngữ và quyền của dân bản địa, nhưng mặt khác họ lại rỉ tai cho cha mẹ và giáo viên rằng nên cho trẻ em nói tiếng Việt. Cho nên, đại đa số trẻ em Khmer Krom không còn nói rành tiếng Khmer nữa.”

Bài báo cho biết, hồi năm 2021, chính quyền Việt Nam đã bắt ông Thạch Rine (61 tuổi), một tín đồ Cơ đốc giáo ở Trà Vinh, và cáo buộc ông này đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để xúc phạm lãnh tụ Việt Nam, xuyên tạc lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ. 

Ông Thạch Tha, một người Khmer Krom hồi tháng 10/2021 nói rằng, những người bản địa theo đạo như ông chỉ đòi hỏi chính quyền Việt Nam để người dân tộc Khmer Krom thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, thờ phượng Chúa theo đúng pháp luật Việt Nam.

 

Thu Phương – thoibao.de

>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?

>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản

>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày

>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Cú ngã lớn của VinFast