Ở Việt Nam, rất nhiều người làm doanh nghiệp hay mượn oai lãnh đạo để tạo quan hệ. Việc xin chụp hình chung với lãnh đạo, rồi cho phóng to hình treo ở văn phòng làm việc là chuyện không xa lạ gì. Qua vụ án ông Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng, thì ai cũng nhận ra, các cơ quan tố tụng sợ ông Lê Thanh Thản như thế nào. Khởi tố đến 2 lần mà chẳng có cơ quan nào dám bắt, khi đưa ra tòa thì tòa lại không dám xử, mà lấy cớ trả hồ sơ về điều tra lại, để đẩy quả bóng trách nhiệm về lại cho công an.
Tại sao Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ Lan và Trịnh Văn Quyết bị bắt, mà ông Lê Thanh Thản thì lại chẳng ai dám động đến? Đấy là minh chứng rõ nét nhất về việc chính quyền địa phương sợ bùa của quan lớn bên trên.
Còn nhớ, từ ngày 6/4/2016, cá chết xuất hiện trắng bờ biển miền Trung, và Formosa là thủ phạm mà người dân lên tiếng chỉ mặt. Tuy nhiên, vào ngày 22/4/2016, ông Trọng đã chính thức đi thăm và kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới, và tiến độ dự án Formosa Hà Tĩnh.
Sau chuyến thăm Formosa của ông Trọng, thì rõ ràng, chính quyền địa phương đã bằng mọi giá bảo vệ Formosa, như bảo vệ Đảng vậy. Tất cả các vụ khiếu kiện tập thể của bà con, những nạn nhân của Formosa, đều bị chính quyền địa phương bẻ gãy. Họ bất chấp thủ đoạn, miễn sao ngăn cản, không cho dân động đến Formosa. Ở Việt Nam, khi được ông Nguyễn Phú Trọng chiếu cố, thì đấy chính là một bảo chứng.
Công ty Việt Á là một doanh nghiệp hối lộ bộ máy chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Phan Quốc Việt làm sao có thể tiếp xúc được với lãnh đạo, từ Trung ương đến địa phương, một cách dễ dàng như thế? Có người cho rằng, Phan Quốc Việt chỉ là một “oắt con”, không đủ bản lĩnh để tiếp xúc với lãnh đạo, mà Phan Quốc Việt chỉ là một dạng con rối, cho thế lực trong bóng tối điều khiển.
Cho đến nay, 80% cổ phần trong Công ty Việt Á vẫn là vùng cấm. Vậy, thế lực nào sở hữu số cổ phần to lớn này? Ngoài ra, ai đã tham mưu cho ông Chủ tịch nước lúc đó là Nguyễn Phú Trọng, ký tặng Huân chương Lao động Hạng 3 cho Việt Á?
Khi trên tay có Huân chương Lao động Hạng 3 với chữ ký của ông Nguyễn Phú Trọng, đây chính là một bảo chứng giúp Phan Quốc Việt kết nối với quan chức, từ Trung ương đến địa phương, trở nên dễ dàng hơn. Mà giúp Phan Quốc Việt đâu chỉ có các quan chức từ Trung ương đến địa phương, đến ngay cả các tờ báo lớn của Đảng cũng hùa theo, phụ họa tâng bốc dự án kit test của Việt Á. Chính Truyền hình Quốc gia VTV cũng làm phóng sự ca ngợi kia mà?
Sau này, chính quyền cũng đã thu hồi lại tấm Huân chương Lao động Hạng 3 của Việt Á, nhưng đã quá muộn, bởi Việt Á đã thực hiện trót lọt thương vụ hút máu dân rồi.
Có người cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó không biết là Việt Á đang hút máu dân. Thật ra mà nói, có thể ông Trọng không biết thật, nhưng chữ ký của ông ký tặng, thì ông cũng phải có trách nhiệm. Ký tặng bừa bãi, vô tình giúp cho những kẻ gian có những lá bùa thiêng để họ dễ dàng phạm tội.
Nhà nước này không phải là nhà nước pháp quyền, mà là nhà nước lạm quyền. Bộ máy chính quyền này có thể xử tội rất nặng những người phạm tội nhẹ, nhưng nó cũng có thể xử rất nhẹ những người phạm tội rất nặng, và thậm chí, nó còn không dám động tới những người rõ ràng đã phạm tội, nếu người đó dựa được vào một trụ quyền lực đủ mạnh.
Với bản chất nhà nước như thế, và với thế độc tôn trên vũ đài chính trị, mà ông Trọng ban tặng bùa chú bừa bãi thì cực kỳ tai hại. Những kẻ sở hữu bùa của ông làm điều bất lương thường rất dễ dàng. Cho nên, việc ban bùa cũng là một cách ông Tổng gây hại cho xã hội.
Thu Phương – (Tổng hợp)