Năm 2022, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ đã thảo luận, nhấn mạnh đến hiệu quả đầu tư cho giáo dục. Theo đó, “việc đầu tư 1 USD vào việc học tập của một đứa trẻ có thể mang lại lợi nhuận suốt đời lên đến 5 USD. Và có thể đạt được lợi nhuận đầu tư cao cho quốc gia, tới 500%, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp, nếu nhà nước tập trung tài trợ cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở”.
Điều đó, hình như các lãnh đạo Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách giáo dục hầu như không quan tâm.
Có lẽ, đó là lý do tại sao ở Việt Nam, một quốc gia ổn định chính trị và hòa bình, mà ngân sách Nhà nước chi cho công an gấp 10 lần y tế – giáo dục. Cụ thể, trong ba năm gần đây, chi ngân sách cho Bộ Công an luôn cao thứ hai, chỉ sau Bộ Quốc phòng, và gấp hơn chục lần so với Bộ Giáo dục và Bộ Y tế.
Những điều vừa kể cho chúng ta thấy, Ban lãnh đạo Việt Nam chỉ quan tâm tới việc ưu tiên cho lực lượng công an – “lá chắn” bảo vệ chế độ, hơn nhiều lần cho tương lai quốc gia.
Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, vào năm 2021, chi ngân sách cho Bộ Công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ Y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và gấp 13 lần so với Bộ Giáo dục (khoảng 7,1 ngàn tỷ đồng). Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng, và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023.
Trong khi đó, theo quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đã hiến định rõ:
“Điều 61
- Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
- Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.”
…
Căn cứ vào Điều 61 của Hiến pháp cho thấy, Nhà nước Việt Nam khẳng định:“ở cấp giáo dục tiểu học là bắt buộc và Nhà nước không thu học phí”.
Song, trên thực tế, ở Việt Nam, tại các trường công lập bậc tiểu học, vẫn diễn ra tình trạng lạm thu, dưới cái gọi là “Xã hội hóa giáo dục”.
Vậy Xã hội hóa giáo dục là gì?
Xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là một chính sách hợp lý, song không thể vì thế, lại giảm sự coi trọng của Nhà nước khi đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục và y tế, vì đó là các vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội của quốc gia.
Lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định và tự hào, Việt Nam là một quốc gia theo đuổi mục tiêu Xã hội Chủ nghĩa. Mà họ quên mất rằng, với lý tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản, thì, chính sách giáo dục miễn phí cho tất cả các cấp học, chữa bệnh miễn phí cho toàn dân, là điều đương nhiên. Trong thời bao cấp trước năm 1986, Việt Nam từng thực hiện như thế.
Hơn nữa, “chính sách giáo dục miễn phí cho tất cả các cấp học, chữa bệnh miễn phí cho toàn dân” là thể hiện tính ưu việt của Chủ nghĩa Xã hội, như Tuyên giáo Cộng sản Việt Nam trước đây vẫn ra rả tuyên truyền.
Vì sao lãnh đạo nhà nước và Tổng Bí thư lại quên điều đó? Đáng buồn là, đa số các phụ huynh học sinh nói riêng và đại đa số người Việt Nam nói chung, không hiểu quyền lợi của họ đã được Hiến pháp quy định.
Một dẫn chứng cụ thể về một quốc gia Cộng sản nghèo đói, đó là Cộng hòa Cuba, một quốc gia tương đồng với Việt Nam trước đây về mặt chính trị. Theo Wikipedia,“Ở Cuba hiện nay, Giáo dục là miễn phí đối với mọi công dân Cuba, gồm cả giáo dục đại học. Phổ cập giáo dục áp dụng với mọi đứa trẻ từ sáu tuổi tới hết mức giáo dục cấp hai căn bản (thường là 15 tuổi) và tất cả học sinh, không cần biết giới tính và sắc tộc, đều mặc đồng phục của trường với màu sắc thể hiện cấp học. Trong suốt quá trình học, học sinh không phải trả một khoản phí nào, từ tiền may đồng phục, tiền mua sắm sách vở, giấy bút và còn được nuôi ăn một bữa hoặc cả ngày (tùy theo từng trường). Do vậy, gần như không có một trẻ em Cuba nào bị thất học, dù đó là ở nơi nông thôn xa xôi. Và tương tự như vậy trong lĩnh vực y tế.”
Đó cũng là lý do, vì sao Liên Hợp Quốc xếp hạng và đánh giá, các ưu tiên cho y tế, giáo dục ở Cuba là điều “đáng ghen tị so với nhiều quốc gia khác giàu có hơn. Cuba chứng tỏ tính ưu việt của chính sách giáo dục và y tế của Chủ nghĩa Xã hội. Dù rằng, vẫn theo Liên Hợp Quốc, Cuba là một trong các quốc gia với các nguồn lực hạn chế”.
Những điều trên chứng tỏ, Việt Nam hiện nay, về thực chất, chẳng có gì gọi là theo đuổi Chủ nghĩa Cộng sản hay Chủ nghĩa Xã hội như họ tuyên truyền. Mà Việt Nam của chúng ta hôm nay, chỉ là một quốc gia tư bản “man rợ và hoang dã”, như đã từng thấy ở thế kỷ 18 hay 19 trước đây, nhưng còn tệ hơn vì được lãnh đạo bởi đám tư bản đỏ. Có chăng, hiện nay chỉ lại cái danh xưng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vấn đề là, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn tự xưng là một nhà lý luận hàng đầu về Chủ nghĩa Cộng sản, người luôn khẳng định Việt Nam theo đuổi mục tiêu Chủ nghĩa Xã hội, lại quên mất những điều sơ đẳng: “chính sách giáo dục và y tế miễn phí, thể hiện tính ưu việt của của Chủ nghĩa Xã hội”?
Nói ra để các vị biết và bớt lừa dân đi. Nhân dân họ biết tất cả đấy!./.
Vũ Anh – Thoibao.de