Nghị quyết “lại quả” cho Thanh tra Chính phủ: Một tiền lệ “tham nhũng chồng tham nhũng”?

Nhắc tới các cơ quan thanh tra các cấp, các ngành ở Việt Nam, người Việt sẽ liên tưởng tới câu đồng dao, “Thanh tra, thanh mẹ thanh dì; Cứ có phong bì thì nó thanh kiu”.

Câu ca vừa kể có hàm ý, các đoàn thanh tra lớn nhỏ, tất tần tật đều có thói quen vòi vĩnh, hay “tống tiền” một cách hợp pháp, mang danh nhà nước. Cơ quan bị thanh tra cứ đưa “phong bì” và đón tiếp thịnh soạn, là các cuộc thanh tra đều thành công tốt đẹp cho cả đôi bên – cơ quan thanh tra cũng như cơ quan, tổ chức bị thanh tra.

Thanh tra cái gì, khi mà kết quả thanh tra ai cũng biết trước, để rồi các sai phạm, khuyết điểm sẽ được ghi trong kết luận thanh tra, là “… có những sai sót không đáng kể, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục v.v…” Nói tóm lại, công tác “thanh cha”, của các vị, cũng chẳng giải quyết được cái “mẹ gì”.

Theo báo Thanh Niên, ngày 16/8/2023, tiếp tục phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã tiến hành cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về việc quy định, “cho phép các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi, phát hiện qua thanh tra, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước”.

Đại diện của Thanh tra Chính phủ đề xuất được trích “cứng” 30% số tiền thu hồi được qua thanh tra, trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, “đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm”.

Theo đó, các khoản tiền được trích, theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, sẽ bao gồm: “các khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng không đúng quy định của nhà nước, hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra đã được thu hồi vào ngân sách nhà nước; các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đã nộp vào ngân sách nhà nước; các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ đã nộp lại vào ngân sách nhà nước”.

Dư luận lập tức phản ứng, số đông ý kiến của dân chúng cho thấy rằng, những đề xuất của Thanh tra Chính phủ là không cần thiết, thiếu hiệu quả, và quan trọng nhất là không chống được tham nhũng.

Vẫn theo báo Thanh Niên, trong báo cáo được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/8/2023, cho biết, “giai đoạn 2018 – 2022, các cơ quan thanh tra đã được trích hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12% trên tổng số tiền thu hồi đã nộp vào ngân sách Nhà nước”. Và nay, với “mức trích “cứng” là 30% như đề xuất, nếu thực hiện theo chính sách mới được đề xuất, thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra, ước tính sẽ tăng thêm 45 tỷ đồng nữa, có nghĩa ngân sách Nhà nước mất thêm hàng chục tỷ đồng”.

Đó là lý do vì sao dư luận không đồng tình, và thấy rằng, việc trích tiền thu hồi như thế là quá vô lý. Vì thứ nhất, thanh tra là công vụ, là trách nhiệm đương nhiên mà ngành thanh tra phải làm theo quy định, chứ thanh tra không phải với mục đích để tăng thu nhập, để có tiền chia nhau.

Thứ hai, đây là những khoản tiền cần thu hồi để nộp về cho ngân sách nhà nước, theo trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện. Nay Thanh tra Chính phủ lại kể công, coi đây là một thứ doanh thu của bộ máy quản lý. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong việc quản lý Nhà nước. Nghị quyết đó không chống được thất thu ngân sách, không chống được tham nhũng.

Đó là chưa kể đến việc, sẽ là điều rất nguy hiểm, khi cơ quan thanh tra chỉ biết chạy theo doanh thu để hưởng lợi, và các đơn vị bị thanh tra sẽ rất khốn khổ trong việc đối phó. Bởi có thể xuất hiện tình trạng, các đơn vị thanh tra có thể không cần căn cứ vào luật pháp, vào các quy định quản lý, mà chỉ chăm chăm “bới lông, tìm vết”, nhằm tăng khoản thu hồi ngân sách, để hưởng lợi.

Một chuyên gia kinh tế – tài chính – ngân hàng từ TP. HCM, nói với thoibao.de với đề nghị ẩn danh tính, rằng:

“Nghị quyết đó là điều không hợp lý. Tất cả những khoản tiền mà Thanh tra Chính phủ thu hồi được từ tham nhũng, phải nộp vào ngân sách của quốc gia. Chia chác % số tiền đó là điều không đúng, bởi các cơ quan thanh tra, họ thực thi công vụ, và công vụ đó đã được Nhà nước trả lương cho rồi”.

Nếu thực hiện theo Dự thảo Nghị quyết trên, thì các cơ quan thanh tra sẽ biến thành đơn vị kinh doanh trên công việc của chính họ, được hợp pháp hóa, bằng Nghị quyết được Quốc hội chuẩn thuận. Và hậu quả sẽ là, công tác thanh tra sẽ không đúng thực chất, không công tâm. Và như thế, hoạt động thanh tra không còn là hoạt động của một nhà nước, mà là cách làm việc của các băng đảng mafia.

Tình trạng như thế sẽ đẻ ra tiền lệ “tham nhũng chồng tham nhũng” rất nguy hiểm.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, ở Việt Nam, với tình trạng tham nhũng tràn lan, mất kiểm soát như hiện nay. Con số thất thoát tài sản, tiền bạc của ngân sách có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ. Chỉ trong vụ án “chuyến bay giải cứu” và “kit test Việt Á”, ước chừng đã khoảng 8 ngàn tỷ. Quan trọng là, nếu thanh tra thu hồi được, sao không tính để trả lại cho nạn nhân, mà lại tính chuyện trích % để chia nhau.

Nếu thực sự là một “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, thì chắc chắn, tư duy của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ không bao giờ tồn tại chuyện chia chác. Chỉ cần nghĩ moi ngân sách để chia nhau như thế, cũng đã nhục nhã lắm rồi./.

Vũ Anh – Thoibao.de