Truyền thông nhà nước đưa tin, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã đề nghị, cần có tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, của cán bộ, sau việc xử lý kỷ luật tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với mục đích sàng lọc chất lượng nhân sự.
Chiều 28/10/2022, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau, đã kiến nghị năm vấn đề. Trong đó, ở kiến nghị thứ hai, nhân việc cơ quan Đảng các cấp xử lý một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, liên quan “lò ấp” tiến sĩ, Đại biểu Vân đã đề nghị, cần tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước.
Việc này nhằm sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm quản lý điều hành của cả hệ thống.
Đề xuất của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cách đây một năm, đã được dư luận đón nhận tích cực.
Song, dư luận cũng băn khoăn, liệu Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và Đảng có đồng ý với đề xuất này hay không? Rồi cần có một tổ chức kiểm tra độc lập, không chịu sự can thiệp của Đảng và chính quyền dưới bất kỳ hình thức nào, có làm được hay không? Hỏi cũng có nghĩa là trả lời: Rất khó, thậm chí là không thể!
Bởi tổ chức kiểm tra độc lập đó sẽ phải là một tổ chức Xã hội Dân sự độc lập, độc lập thực sự, không chịu sự chi phối của bất kỳ của ai, của bất kỳ thế lực nào. Rõ ràng, hai yếu tố “tổ chức Xã hội Dân sự độc lập” và “độc lập thực sự, không chịu sự chi phối” là hai yếu tố cực kỳ nhạy cảm, trong một thể chế chính trị độc đảng toàn trị như ở Việt Nam hiện nay.
Rồi đến khi kiểm tra xong, kết luận ông A sử dụng bằng đại học thật, nhưng bỏ tiền ra mua; bà B sử dụng bằng thạc sĩ thật, cũng do mua mà có. Để sau đó, họ tiếp tục dùng tiền với những tấm bằng “dỏm” như vừa kể, để có học vị tiến sĩ, rồi học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư… Điều chắc chắn, gần như 100% lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay đều như vậy.
Cứ nhìn vào những tấm cạc vi dít của các quan chức lãnh đạo hiện nay, dài dằng dặc các chức danh và học hàm học vị. Mọi người đều biết, có được các học vị, học hàm ấy, 100% đều do dùng tiền để mua, chứ trong đầu họ có chút kiến thức nào đâu?
Đó là lý do xuất hiện một quốc hội như Quốc hội Việt nam hiện nay. Ở đó như một sân khấu hài, mà các đại biểu Quốc hội, với những khuôn mặt phì nộn, bóng nhẫy, như những danh hài rẻ tiền. Rất nhiều các phát biểu tại nghị trường, mà ngây ngô vô thức không bằng lũ “trẻ trâu”, nay đã thực sự trở thành thảm họa cho Quốc hội Việt nam.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với học vị Tiến sĩ lý luận Chính trị về Chủ nghĩa Max – Lenine, học hàm Giáo sư Kinh tế, Chính trị. Oai như thế, vậy mà, Tổng Trọng định nghĩa Hiến pháp như sau: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất, sau Cương lĩnh của Đảng!” Đây là điều nhảm nhí, mà kể cả những kẻ ít học nhất cũng không bao giờ dám nói như vậy! Bởi vì, theo định nghĩa chính thống, “Hiến pháp là một hệ thống cao nhất của pháp luật một quốc gia, quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm của một chính quyền.”
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng có trình độ hiểu biết hạn chế như thế, thì trên cương vị Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban Nhân sự các kỳ Đại hội Đảng khóa XII và XIII, thì chất lượng của các ủy viên Trung ương thế nào, thì ai cũng biết.
Nếu tổng rà soát các học hàm học vị, đến khi có kết luận chính thức, thì sẽ xử lý như thế nào? Hủy bằng? cách chức? buộc thôi việc? thậm chí có truy tố trước pháp luật hay không? Chắc chắn sẽ không xảy ra như vậy. Vì công khai ra thì lòi ra cả ổ.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra Bộ Công an: “Trong vụ án mua bán bằng nghiêm trọng ở Đại học Đông Đô trước đây bị phanh phui, cơ quan chức năng đã phát hiện trong số 626 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh do trường này cấp, dù chỉ làm việc được với 217 trường hợp và có đến 193 người đã được cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh mà không cần qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử, trong đó, 55 người đã sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 người thi nâng ngạch thanh tra viên và 1 sử dụng xét tuyển thạc sĩ.”
Ngoài ra, tổng số tiền học phí văn bằng 2 tiếng Anh tại Đại học Đông Đô thu về hơn 24 tỷ đồng. Trong khi đó, trường này cung cấp danh sách 2.500 người, và báo cáo thu 18 tỷ. Trong số 203 người bị xác định nhận bằng giả của Đại học Đông Đô, 166 người bị xác định đã đóng tổng cộng 2,6 tỷ.
Đáng quan ngại hơn, không chỉ riêng Đại học Đông đô mua bán bằng giả, mà còn có 16 trường Đại học khác ở Việt Nam cũng có dấu hiệu mua bán các loại văn bằng hay chứng chỉ học vấn giả.
Bộ Công an đã xác định, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả của Đông Đô để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Vậy mà danh tính của 55 người này vẫn bị ém nhẹm, như bí mật quốc gia.
Đại tá Nguyễn Như Phong – Phó Tổng biên tập Báo Công an – tuyên bố, sẽ công bố danh tính, song cũng phải thôi. Dư luận cho rằng, nếu công bố, thì khả năng cao sẽ lộ mặt không ít các ủy viên Trung ương Đảng đang đương chức hiện nay.
Vấn đề quan trọng là, trong thời gian ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng Bí thư, thì mới bắt đầu có phong trào sính bằng cấp. Bằng cấp trở thành một trong các tiêu chí lựa chọn nhân sự. Trong bối cảnh quan trường Việt Nam hiện nay, việc mua quan, bán tước, trở thành một vấn nạn chưa từng có, thì việc mua bán bằng cấp giả của quan chức là điều đương nhiên. Không ai bảo ai, nhưng chắc chắn, trên 95% các học vị Tiến sĩ là bằng dỏm, tiến sĩ, giáo sư gì mà tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết?
Hiến pháp Việt nam quy định, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thông qua các đại biểu Quốc hội do dân bầu. Vậy mà ở Việt Nam, tình trạng không chỉ là “Đảng cử, dân bầu” như trước, mà bây giờ, các đại biểu Quốc hội cũng do một tay Tổng Trọng chọn lựa. Thử hỏi đất nước này sẽ đi về đâu? ./.
Trà My – Thoibao.de