Ngày 23/8, tờ An Ninh Thủ Đô có bài viết “Đập tan luận điệu xuyên tạc, sai trái lèo lái dư luận về 2 vụ đại án: Toan tính gì khi tìm cách xuyên tạc các vụ án “chuyến bay giải cứu”, “Việt Á”?”. Ngành Công an Công sản thường hay dùng từ “đập tan” để chỉ hành động chống lại tiếng nói tự do.
Bài báo nhắm vào các tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài, những tờ báo không chịu sự kiểm duyệt của Đảng Cộng sản, và Đảng Cộng sản vẫn luôn dùng ngôn từ vô cùng xấc láo với báo chí tự do.
Trên mặt trận báo chí, 800 tờ báo nhà nước không đủ sức chống lại tiếng nói tự do từ bên ngoài. Bởi báo bên ngoài nói lên sự thật, trong khi đó, báo trong nước chỉ biết dối trá tô vẽ. Đó là nguyên nhân khiến Đảng Cộng sản phải dùng áp lực, để ép các mạng xã hội lớn phải ra tay bóp nghẹt tiếng nói từ bên ngoài. Nếu Đảng Cộng sản có sự thật, thì cần gì phải dùng những hạ sách như vậy để chống lại báo chí tự do?
Thoibao.de cũng là một kênh truyền thông tự do bị chính quyền Cộng sản gây áp lực, buộc Facebook và Youtube hạn chế tương tác. Họ luôn miệng nói rằng, báo chí tự do là “bôi nhọ”, là “xuyên tạc”, nhưng họ không đủ bằng chứng và lập luận, để phản bác lại những lập luận của báo chí nước ngoài. Họ sợ người dân đọc Thoibao, đọc VOA, đọc RFA vv… Nếu họ làm đúng, làm tốt cho dân, thì ai có thể bôi nhọ được họ? Người dân đủ tỉnh táo để nhận biết, những tờ báo nào nói sự thật, những tờ báo nào nói dối. Chỉ có kẻ nói dối mới sợ sự thật, chứ sự thật chẳng bao giờ sợ ai cả. Vì thế, chính hành động điên cuồng chống lại báo chí tự do, đã tự tố cáo sự bất chính của chính quyền Cộng sản.
Báo An Ninh Thủ Đô cho rằng, qua 2 vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu, đã thể hiện sự “nghiêm minh của pháp luật”. Không biết, luật pháp nghiêm minh ở đâu, khi mà, các bản án trong vụ án chuyến bay giải cứu đều có dấu hiệu của sự ngã giá. Không biết luật pháp nghiêm minh thế nào, mà thư ký nhận tiền hối lộ cho sếp, nhưng sếp lại không hề hấn gì, như trường hợp ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế.
Không biết luật pháp nghiêm minh chỗ nào, mà ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 đô la từ Việt Á, nhưng lại không bị truy tố tội nhận hối lộ? Ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nhận 1,1 tỷ đồng cũng không phạm tội nhận hối lộ? Luật pháp như thế mà nghiêm minh được sao?
Không chỉ vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu, mà còn qua rất nhiều vụ án khác, đã chứng tỏ, chính quyền Cộng sản buông thả cho công an, tòa án và viện kiểm sát, tùy tiện làm luật, làm án.
Vụ án tử tù Hồ Duy Hải đã cho người dân thấy, hệ thống tư pháp Cộng sản đáng tởm thế nào. Công an điều tra dùng vật chứng mua ngoài chợ, nhưng tòa án vẫn chấp nhận và phán tội chết cho bị cáo. Rồi vụ án được đưa lên đến cấp giám đốc thẩm, nhưng tòa vẫn hành xử như vậy, vẫn chấp nhận vật chứng mua ngoài chợ để kết án tử hình oan.
Đấy là những ví dụ điển hình, còn vô số những vụ án oan và án bất công khác. Ví dụ như: Một thanh niên bắt trộm con vịt về nhậu thì bị kết án 7 năm tù giam, còn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm thất thoát 15.000 tỷ đồng lại được hưởng án treo. Những loại án như vậy nói lên bộ mặt chế độ, chứ không cần ai phải bôi nhọ cả. Sự thật sờ sờ ra đấy, báo chí tự do, trong đó có Thoibao.de, chỉ làm công việc là đưa tin về sự thật cho người dân biết mà thôi.
Ngoài chuyện chính quyền Cộng sản gây áp lực, buộc Youtube và Facebook bóp nghẹt tiếng nói tự do, thì Đảng Cộng sản còn nuôi một lực lượng phá hoại rất hùng hậu. Đó là thành phần dư luận viên và lực lượng 47, chuyên đánh phá các trang báo tự do, mà trong đó, Thoibao.de chịu rất nhiều sự tấn công. Đấy là cách đánh dưới thắt lưng rất hèn hạ của chế độ. Tuy nhiên, họ sẽ không bao giờ “đập tan” được tiếng nói tự do.