Trong những năm gần đây, xuất hiện tình trạng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, tiến hành các vụ lừa đảo với đa dạng các hình thức tinh vi, thông qua các cuộc gọi điện thoại tới các số điện thoại cá nhân, với mục đích chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức. Người dân Việt Nam cũng như các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á trở thành nạn nhân thường xuyên của trò lừa đảo này.
Thông qua việc giả mạo là nhân viên nhà nước, như cảnh sát, thuế vụ…, những kẻ tội phạm đã “bịa” ra các lý do liên quan tới vi phạm pháp luật, như kinh doanh trốn thuế, rửa tiền hay tham gia mua bán ma túy v.v… Từ đó, kẻ tội phạm đã khéo léo yêu cầu con mồi, tức là các nạn nhân, phải làm theo các yêu cầu của “người nhà nước”, nếu không muốn bị khởi tố, bắt giam. Mục đích cuối cùng của kẻ tội phạm là chiếm đoạt được mật khẩu, thông tin internet banking của nạn nhân. Sau đó, tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ bị chuyển đi chỗ khác ngay lập tức.
Trước đây, các nhóm tội phạm sử dụng địa bàn các quốc gia như Philippines, Cambodia và Myanmar, để mở các văn phòng lừa đảo là rất phổ biến. Nhưng gần đây, cảnh sát các nước tiến hành truy bắt, nên cũng giảm thiểu đáng kể. Nhưng ở khu vực biên giới Myanmar – Thailand, các tổ chức tội phạm vẫn hoành hành.
Ít ai biết, những kẻ tội phạm trước khi thực hiện các hành vi lừa đảo đối với người khác, thì họ cũng là nạn nhân của các băng đảng. Nạn nhân là công dân ở các nước Đông Nam Á, bị rủ rê ra nước ngoài để làm việc cho các văn phòng, với điều kiện “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng khi đã sa bẫy, những gì xảy ra với họ cứ như dưới địa ngục. Muốn thoát khỏi tổ quỷ, gia đình các nạn nhân phải bỏ một số tiền không nhỏ để chuộc. Nếu không chuộc, sẽ phải làm nô lệ suốt đời.
Một điều rất nguy hiểm, đó là, trong các cuộc gọi điện thoại “lừa đảo”, những kẻ tội phạm nắm được đầy đủ các thông tin – các dữ liệu cá nhân của nạn nhân và những người thân trong gia đình, chính xác ở mức tuyệt đối. Kể cả ngày tháng, năm sinh, số Căn cước Công dân v.v… mà kể cả các nhà mạng, ngân hàng, các hãng hàng không… cũng không thể biết rõ như vậy?
Một câu hỏi đặt ra, tại sao các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của công dân lại có các thông tin bí mật như thế?
Theo các chuyên gia bảo mật cho biết, ngay cả khi có tình cờ để lộ hình ảnh Căn cước Công dân, hay số tài khoản ngân hàng, thì cũng không thể biết tường tận được.
Điều đó liên quan gì tới Cục An ninh mạng của Bộ Công an, nơi quản lý dữ liệu công dân, và đơn vị này phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Năm 2021, đã xảy ra vụ gần 17GB dữ liệu Chứng minh Nhân dân và Căn cước Công dân, của gần 10.000 người dân Việt Nam, bị rao bán trên mạng. Khi đó, giới chuyên môn đã chỉ ra nhiều lỗ hổng pháp lý, cũng như những bất cập trong việc bảo mật thông tin cá nhân của các cơ quan lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, các quy định này nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ Thông tin và kể cả Bộ luật Hình sự và các văn bản dưới luật.
Lâu nay, hệ thống dữ liệu của các ngân hàng, các công ty bưu chính viễn thông, các hãng hàng không, được xem là những miếng mồi béo bở hái ra tiền đối với giới hackers. Và điều đó liên quan gì đến việc các chuyên gia công nghệ thông tin nghi vấn, tới các động thái của Bộ Công an đang ráo riết thu thập các dữ liệu thông tin cá nhân của công dân? Như đề xuất bỏ dấu vân tay trên Căn cước Công dân, sửa đổi một số thông tin trên Căn cước Công dân, lược bỏ dữ liệu sinh trắc học vân tay tại mặt sau của thẻ…
Rồi mới đây, Bộ Công an lại đề xuất sửa đổi một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ CCCD, như tại mặt trước của thẻ, số CCCD sẽ được đổi thành mã số định danh cá nhân, hay quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú đổi thành nơi cư trú v.v… đã tạo ra một ma trận khó hiểu, với hàng loạt những câu hỏi nghi vấn cần có câu trả lời?
Trong bối cảnh lực lượng Công an Nhân dân “còn Đảng còn mình”, gần đây có hàng loạt các hành vi của kẻ trộm cướp, như bắn trộm dê của dân ở Chương Mỹ, bắt cóc tống tiền 15 tỷ ở Hà nội… Và mới nhất, Trưởng Công an xã ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, đã có hành vi “xin đểu” một chủ quan bida, để lấy đi học. Khi xin không được thì quay ra hăm dọa chủ quán sẽ “cho dẹp tiệm”, khiến chủ quán bida bất bình tố cáo.
Những dẫn chứng vừa kể, khiến dư luận nghi ngờ, có hay không việc một số sĩ quan ở Cục An ninh mạng, “chôm” các dữ liệu trong hồ sơ Căn cước Công dân, để bán cho các băng đảng tội phạm lấy tiền?
Đó là những nghi ngờ hoàn toàn có cơ sở và là những đòi hỏi hết sức chính đáng của công luận, cần có câu trả lời từ Bộ Công an và Cục An ninh mạng./.
Trà My – Thoibao.de