Đêm 12, rạng sáng ngày 13/9, một vụ cháy kinh hoàng đã xảy ra tại chung cư mini 9 tầng, bên trong ngách 70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo một số báo trong nước, tính đến hết ngày 13/9, số người thiệt mạng trong vụ cháy chung cư mini này là 56 người. Một kết quả vô cùng đau xót cho những nạn nhân và người thân của họ. Tuy nhiên, một số tờ báo sau đó đã rút đi tin tức này.
Đây không biết đã là thảm họa lần thứ mấy. Năm ngoái, xảy ra 2 vụ cháy liên tiếp các quán karaoke, một ở Hà Nội và một ở Bình Dương. Vụ cháy tại Hà Nội xảy ra vào đầu tháng 8/2022, làm 3 cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy của Công an thành phố Hà Nội tử vong. Sau đó 1 tháng là vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương, vụ cháy này có hậu quả thảm khốc hơn vụ ở Hà Nội, làm chết đến 33 người.
Sau hai vụ cháy này, chính quyền các địa phương hô hào kiểm tra phòng cháy chữa cháy các quán Karaoke gắt gao. Tuy nhiên, có kiểm tra nghiêm hay không, có kiểm tra và bắt tháo dỡ triệt để những nơi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy hay không, thì đấy lại là vấn đề khác. Ở Việt Nam, tình trạng làm việc đối phó là tâm lý phổ biến của cả người dân và quan chức. Quan thì nhận tiền để cho qua chuyện, cũng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Cho nên, sẽ khó có chuyện chấn chỉnh được vấn đề phòng cháy chữa cháy ở Việt Nam.
Năm 2018, chung cư Carina Plaza tại số 1648, đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh bị cháy. Vụ cháy này khiến 13 người chết, trong đó có bà Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình Q1 TP HCM. Rồi xa hơn nữa là năm 2016, cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Hà Nội, làm 13 người chết. Trong đó chủ yếu là các hạt giống đỏ, là những người trong bộ máy chính quyền đang đợi cơ cấu.
Nói chung, cứ sau mỗi vụ thảm họa cháy, thì Việt Nam lại hô hào siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, bất chấp những báo cáo, nào là hoàn thành mục tiêu, nào là hoàn thành nhiệm vụ, thì tình trạng cháy vẫn xảy ra. Công tác phòng cháy vẫn sơ sài như trước.
Nói về nguyên nhân để xảy ra cháy, thì một chủ doanh nghiệp xây dựng đang giấu tên tại TP HCM cho chúng tôi biết, nguyên nhân chính là đến từ 4 lý do: Quy hoạch đô thị kém, công tác quản lý phòng cháy chữa cháy tệ, tham nhũng và ý thức của doanh nghiệp xây chung cư, cũng như ý thức của người dân Việt Nam chưa cao. Vì sợ tốn kém mà bỏ qua vấn đề quan trọng này.
Về quy hoạch, phía chính quyền đã không quản lý tốt, để nhà tự phát mọc lên nhiều; quy hoạch đường hẻm, ngõ ngách không đúng tiêu chuẩn; đường hẹp và ngoằn ngoèo cản trở phương tiện chữa cháy tiếp cận.
Không những buông xuôi cho phát triển tự phát, mà ngay cả những khu rộng lớn được quy hoạch hẳn hoi, cũng bị chính quyền phá nát. Lấy điển hình là Hà Nội thời ông Nguyễn Thế Thảo, đã để cho những tòa nhà cao tầng mọc san sát, không còn không gian công cộng, không còn không gian để thành phố thi công các hệ thống ngầm, và tất nhiên, nếu có xảy ra cháy, thì phương tiện chữa cháy cũng khó tiếp cận.
Vấn đề thứ nhì là cả nhà thầu và chủ đầu tư, khi xây chung cư thường chỉ đầu tư cho phòng cháy chữa cháy mang tính đối phó.
Chính một chủ doanh nghiệp xây dựng cho chúng tôi biết, anh ta thi công công trình một trường tiểu học tại Nhà Bè, là một công trình có hệ thống phòng cháy chữa cháy được thiết kế rất chỉn chu. Trong mỗi phòng học đều có đầu tư hệ thống chữa cháy được gắn ngay trên trần nhà. Khi nhiệt độ lên đến 80 độ C, thì đầu phun tự động phun nước. Ngoài ra, còn có đầu báo khói cũng được lắp đặt cho từng phòng học. Tuy nhiên, thiết kế thì chỉn chu như thế, nhưng trang thiết bị lại hoàn toàn là của Trung Quốc. Đồng thời, nhà thầu là một công ty của người nhà một sếp ngành phòng cháy chữa cháy. Lúc nghiệm thu với bên Phòng cháy chữa cháy huyện, kết quả không đạt, nhưng họ vẫn nháy nhau cho qua và hoàn thiện nghiệm thu.
Trong trường hợp này, có sự đối phó của chủ đầu tư và có cả sự tham nhũng của chính quyền. May mà cho đến nay, đã 10 năm, chưa xảy ra vụ hỏa hoạn nào với công trình kể trên. Nếu xảy ra, thì ắt sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza cũng tương tự. Hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà không hoạt động khiến thảm họa đã xảy ra.
Thảm họa cháy chung cư mini ở Thanh Xuân xảy ra, người ta mới khui ra giấy phép xây dựng. Theo đó, giấy phép cho xây 6 tầng, nhưng chính quyền đã làm ngơ cho chủ nhà xây 9 tầng. Nhà 9 tầng trong ngách nhỏ thì rất rủi ro về hỏa hoạn. Đây là trường hợp, vì chính quyền tham nhũng đã gây thảm họa
Từ quy hoạch đến quản lý, cộng với tâm lý sợ tốn kém nên làm đối phó, cộng thêm là tình trạng tham nhũng làm ngơ cho chủ nhà xây sai phép, đã biến những căn nhà của người Việt Nam trong các khu phố hẹp và cả những khu chung cư cao tầng trở thành những “lò thiêu” tiềm ẩn. Chỉ là vấn đề phòng cháy chữa cháy, nhưng có thể nói, năng lực chính quyền Cộng sản không thể làm được.
Ý Nhi – Thoibao.de