Chưa có đất nước nào mà người dân, dù đã được chứng minh là bị oan, vẫn phải vất vả chiến đấu để không bị chính quyền hành hình, như ở xứ Việt Nam này. Vụ án Hồ Duy Hải, đến cả người không học luật cũng hiểu, mang vật mua từ chợ về rồi gọi là “vật chứng” để gán tội cho bị can là sai, nhưng cả bộ máy tố tụng từ Trung ương đến địa phương đều toa rập một thái độ, đó là quyết tâm kết án tử cho bị can. Dịp 2/9 vừa qua, 11 người được ân xá án tử hình, cũng không có tên Hồ Duy Hải.
Mà ở Việt Nam đâu chỉ vụ Hồ Duy Hải, mà còn có vụ Nguyễn Văn Chưởng và vụ án Lê Văn Mạnh. Người dân đứng về phía công lý, còn chính quyền – nơi nắm trong tay quyền phán quyết – lại đối đầu với toàn dân.
Lê Văn Mạnh bị kết án tử về tội hiếp dâm và giết người, nhưng vì chứng cứ buộc tội vẫn còn “thiếu sót”, “mâu thuẫn”, nên đã bị cầm tù và kêu oan suốt 18 năm trời (lâu hơn cả hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng), nhưng cuối cùng vẫn sẽ bị đem ra hành hình.
Được biết, ban đầu Lê Văn Mạnh bị bắt về tội “cướp tài sản”. Tuy nhiên, sau đó lại bị truy tố thêm tội “giết người hiếp dâm trẻ em”. Phía Cơ quan Điều tra cho biết, một phạm nhân có tên là Lê Văn Dũng báo cho công an về bức thư mà Lê Văn Mạnh gửi về gia đình thú tội, nhờ bố mẹ sang nhà nạn nhân để xin cho Mạnh.
Điểm đáng ngờ là, tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn Mạnh khai do bị phạm nhân Nguyễn Kế Hiền ép phải viết, và nhờ Hiền chuyển cho gia đình. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân không làm rõ, Hiền có ép Mạnh viết thư hay không? Và Mạnh nhờ phạm nhân Hiền hay phạm nhân Dũng chuyển thư ra ngoài? Viện Kiểm sát cũng bỏ qua.
Nói chung, 2 phạm nhân giúp công an phát hiện ra “lá thư”, không được phía cơ quan tố tụng đem ra đối chứng, nhưng tòa vẫn kết án tử cho bị cáo. Hồ sơ điều tra chỉ dựa vào lời khai của Lê Văn Mạnh, một cách làm án theo đánh giá của một số chuyên gia là rất sơ sài.
Phía gia đình Lê Văn Mạnh cũng kêu oan nhiều năm qua, nhưng tòa vẫn giữ nguyên mức án như vậy. Ngày 18/9 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát Thông báo gửi cho ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt, là bố và mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh, về lệnh thi hành án tử.
Cả 3 vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh đều có một điểm chung, đó là, cơ quan điều tra đã kết luận rất điều tra rất sơ sài, hay bản án thể hiện rất rõ hành vi cố gán tội của cơ quan điều tra, còn tòa án và viện kiểm sát thì toa rập theo. Từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, và thậm chí đến cấp giám đốc thẩm, cũng đều hót chung một nhịp điệu, dù rằng nhịp điệu ấy là nhịp điệu của quỷ.
Rõ ràng, qua 3 vụ án trên, chính quyền Cộng sản cho thấy, dù biết sai thì họ cũng quyết bảo vệ cái sai tới cùng. Trong những vụ án này, có hai luồng quan điểm đối lập rất rõ. Phía nhân dân, có đủ lý luận, bằng chứng, có nhiều luật sư giỏi phân tích để xã hội thấy được cái sai của cơ quan tố tụng. Phía chính quyền, dù không thể phản biện nhưng họ sử dụng quyền lực. Họ không sửa sai mà quyết bảo vệ cái sai tới cùng, thì dân làm gì được họ? Rõ ràng chính quyền sai, nhưng họ quyết chiến thắng; còn phía dân dù đúng, nhưng phải bị đè bẹp.
>>>(Hình 03: Thông báo thi hành án của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, bất chấp hồ sơ điều tra có nhiều vấn đề nghi vấn)
Nguyên nhân dẫn tới hành động phản dân của chính quyền Cộng sản được cho là, nếu chính quyền chấp nhận thua dân một vụ, thì sẽ thua rất nhiều vụ. Bởi hiện nay, án oan sai rất nhiều, và chính quyền không thể chịu thua dân, vì vậy họ mới quyết tâm đè bẹp dư luận.
Một lý do thứ nhì là những kẻ điều tra cẩu thả muốn phá án nhanh, để lập thành tích. Nhưng khi bị bóc phốt thì họ phải chạy cho tòa án, chạy các cấp để bảo vệ bản thân và bảo vệ lẫn nhau.
Ý Nhi – Thoibao.de