Nếu nói nhà nước dân chủ là nhà nước đứng trên 3 ngọn núi độc lập, đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam lại đứng trên 4 chân, 4 chân này không độc lập nhau mà dính vào một cơ thể, cơ thể đấy chính là Đảng Cộng Sản. Chính vì thế mà người dân mới tặng cho 4 chân trụ này bằng cụm từ rất đặc biệt, đó là “tứ trụ triều đình”.
Tuy là 4 chân mọc ra từ cơ thể của Đảng, nhưng 4 chân này không đồng nhất, trong đó, chân mạnh nhất là chân Tổng Bí thư, kế đến là chân Thủ tướng. Còn lại, chân Chủ tịch nước chỉ để làm kiểng, và chân trụ Chủ tịch Quốc hội cũng chẳng khác gì chân trụ Chủ tịch nước, điều hành một Quốc hội bù nhìn, chỉ biết gật theo những gì đã được Trung ương Đảng đã quyết trước đó. Sự không đồng đều về quyền lực như thế, khiến cho Đảng Cộng sản không thể nào đứng vững trước người khổng lồ phương Bắc.
Đấy là câu chuyện về 4 chân của Đảng, vậy thì đuôi của Đảng ở đâu? Đó chính là cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” được gắn đằng sau cụm từ “kinh tế thị trường”. Kể từ năm 1986, Đảng Cộng sản từ bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Để khai thông bế tắc, thay vì áp dụng nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, thì họ lại cho mọc thêm cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” gắn. Từ đó hình thành nên sự bất công giữa khối kinh tế tư nhân và khối kinh tế nhà nước. Ngoài ra, trong bộ máy nhà nước, Đảng Cộng sản trọng chế độ lý lịch, tức chọn hồng bỏ chuyên. Năm 1999, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh nói với một hãng truyền thông quốc tế rằng, chương trình đổi mới kinh tế đã gặp bế tắc, và Đảng Cộng sản cầm quyền nên dành cho những người không phải là đảng viên những chức vụ cao cấp trong nước.
Ở trong nước thì Đảng Cộng sản không ngần ngại đưa cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” ra cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng. Từ chỗ ưu tiên cho con em cán bộ Cộng sản trong bộ máy chính trị, đến ưu tiên cho khối doanh nghiệp nhà nước, đã tạo nên sự bất công xã hội rất lớn. Người dân bị ép phải mua các dịch vụ độc quyền nhưng chất lượng tồi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước lại được nhà nước cứu mỗi khi gặp nguy, bằng tiền của dân. Chính vì vậy mà kinh tế Việt Nam mới què quặt như ngày hôm nay, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sân sau thì phá nhiều hơn xây, doanh nghiệp tư nhân thì èo uột lớn không nổi, vì bị chèn ép.
Sự cải cách nửa vời như thế tạo ra một gọng kìm, giới hạn sức mạnh của nền kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đứng trên 3 chân trụ, gồm: khối tư nhân, khối nhà nước và khối FDI (tức những những doanh nghiệp có vốn nước ngoài). Trong đó, khối tư nhân và khối nhà nước là 2 chân trụ què, chỉ còn lại khối FDI là trụ cột mà thôi.
Đấy là đối nội, còn về đối ngoại, Việt Nam chỉ được nước Cộng sản anh em thừa nhận là “nền kinh tế thị trường”. Với Trung Quốc, chính quyền Cộng sản không cần giấu đi cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, bởi cả Tàu và Việt cũng đều có đuôi như nhau. Có người nói vui rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không giấu đuôi trước Tàu, nhưng họ lại “cụp đuôi”.
Chiều ngày 19/9 theo giờ địa phương, tại Washington DC, ông Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Trong cuộc gặp gỡ này, ông Chính đề nghị phía Mỹ công nhận nền kinh tế Việt Nam là “kinh tế thị trường”. Nghĩa là, ở trong nước họ lòi đuôi, nhưng sang Mỹ họ lại giấu đi cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Người Mỹ lịch sự, họ vẫn ừ à xã giao, nhưng có lẽ họ chẳng bao giờ họ thừa nhận Đảng Cộng sản “cụt đuôi”, vì Đảng Cộng sản chỉ giấu đuôi chứ đâu có cắt bỏ.
Cũng vì Đảng không chịu “cắt đuôi”, khiến doanh nghiệp Việt Nam làm ăn trên trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, nhất là khi có tranh chấp thương mại, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá. Biết rằng, doanh nghiệp Việt gặp khó, nhưng nếu cắt đuôi thì Đảng mất đi lợi ích không nhỏ, nên họ không cắt. Đã 4 chân mà thiếu đuôi thì cũng không đủ bộ, bởi DNA của Đảng Cộng sản nó thế.
Ý Nhi – Thoibao.de