Sau vụ hỏa hoạn chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm tử vong 56 và thương vong 37 nạn nhân vừa qua, nhiều toà nhà, chung cư mini, nhà thuê trọ ở Hà Nội và một số địa phương, đã yêu cầu người dân di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện ra khỏi tầng 1 tòa nhà.
Có vẻ như, chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang bối rối với việc, làm thế nào để ngăn ngừa các đám cháy tiếp theo có thể xảy ra. Tại Hội nghị giao ban của Thành ủy với các quận huyện chiều 21/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân – Võ Đăng Dũng – cho biết, quận đã yêu cầu người dân trên địa bàn quận, phải di dời xe máy, xe đạp điện ở tầng 1 chung cư mini và nhà trọ nhiều căn hộ, sang nơi khác. Ông Võ Đăng Dũng cho biết: “Nếu di chuyển toàn bộ thì tốt, không thì phải được 70 – 80%”, và lý giải, “thống kê cho thấy, 90% vụ cháy xảy ra ở tầng 1 do chập điện, chập điện ắc quy xe máy”.
Nhưng việc người dân sẽ di chuyển phương tiện đi đâu, thì không thấy ông Dũng đề cập đến. Điều đó đã khiến cho nhiều người dân than phiền, quy định này sẽ làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, đảo lộn. Đặc biệt, người dân lại phải tốn kém chi phí để gửi xe bên ngoài, thậm chí chưa biết sẽ gửi ở đâu.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, “…bình luận về phát biểu này của ông Chủ tịch quận Thanh xuân, hầu hết các độc giả đều phản đối, họ đặt câu hỏi, thế thì đem xe máy, xe điện đi gửi ở đâu, nếu không cho để xe dưới tầng hầm hay tầng 1 của tòa nhà họ thuê trọ?
Độc giả Nông Văn Tuấn trách cứ: “Một suy nghĩ quá tiêu cực và bế tắc. Không tìm được giải pháp là cấm, việc dễ mình làm, việc khó dân chịu”.
Độc giả Hải gay gắt: “Trước giờ sao không chỉ đạo, cứ để mất bò mới lo làm chuồng!”.
Một Đại biểu Quốc hội mới nhất cũng đưa ra đề xuất tương tự, “không để xe hầm chung cư”. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 23/9, trước thực trạng nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các chung cư thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đề xuất Quốc hội thêm vào luật quy định không cho để xe trong hầm chung cư, khách sạn.
Theo đó, thảo luận báo cáo giám sát công tác phòng chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, trong Luật Xây dựng nên quy định, các chung cư, khách sạn cao tầng, không sử dụng tầng hầm là nơi đậu xe. Và khi xây dựng các khu chung cư trong tương lai, nên xây bãi đỗ xe riêng, không để xe dưới tầng hầm. Tuy nhiên, đây chỉ là một đề xuất cho việc xây dựng luật trong tương lai.
Công luận thấy rằng, cũng cần thông cảm cho các yêu cầu từ chủ các khu nhà trọ, chung cư mini, về việc cấm người thuê nhà đem xe máy điện – xe đạp điện để dưới tầng hầm hay tầng 1. Vì ở góc độ là người kinh doanh, họ muốn tìm cách đảm bảo an toàn và bảo vệ tài sản.
Nhưng đề xuất của Chủ tịch quận Thanh Xuân, đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, lại là một đề xuất vô trách nhiệm và bất khả thi. Vấn đề là, cấm thì sẽ đem xe máy, xe điện đi gửi ở đâu, nếu không cho để dưới tầng hầm hay tầng 1 của tòa nhà mà người dân thuê trọ?
Trước phản đối của dư luận, để “chữa cháy”, trưa ngày 22/9, VnExpress dẫn lời bà Bùi Huyền Mai, Bí thư quận Thanh Xuân cho rằng, phát biểu của Chủ tịch quận Thanh Xuân có thể “chưa được nói rõ”, và đó “không phải là chủ trương của quận”.
Bà Mai trả lời báo chí rằng, hiện quận chỉ vận động người dân, chứ không cưỡng chế hay buộc người dân phải di dời xe máy, xe điện ra khỏi nơi họ sinh sống!
Dư luận thấy rằng, nếu có bắt buộc đi chăng nữa, thì quận Thanh Xuân cũng không thể cưỡng chế. Vì trên thực tế, làm gì có địa điểm nhận gửi xe riêng qua đêm bên cạnh các chung cư bình dân hay mini. Trong khi, với hệ thống giao thông công cộng như ở Việt Nam hiện nay, thì không thể cấm người dân sử dụng xe máy.
Tại sao chính quyền Việt Nam không sử dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, và áp dụng triệt để các quy định về phòng cháy chữa cháy. Tuyệt đối không nhân nhượng, không đủ điều kiện thì dứt khoát không cấp giấy phép kinh doanh.
Rõ ràng, câu chuyện vừa kể cho thấy một thứ tư duy nguy hiểm của quan chức nhà nước Việt Nam hiện nay. Đó là việc gì họ không quản được thì cấm, đẩy trách nhiệm để cho dân tự giải quyết. Mà họ không hiểu được rằng, trong một nhà nước pháp quyền, thì viên chức nhà nước chỉ được làm những thứ pháp luật nhà nước cho phép. Và ngược lại, người dân có quyền làm tất cả những điều pháp luật không cấm./.
Trà My – Thoibao.de