Ở Việt Nam, hàng năm, ngân sách phải chi tới hàng trăm ngàn tỉ đồng cho việc vận hành xe ô tô công. Đây là một gánh nặng trong khi tình hình nợ công đang ở mức báo động. Hơn thế nữa, chi phí ngân sách nhà nước cho các dịch vụ an sinh xã hội như giáo dục, y tế đang thiếu trầm trọng. Thực trạng thiếu bệnh viện, thiếu trường học là điều phổ biến ở hầu hết các tỉnh và thành phố lớn.
Một bài viết trên báo Tin Tức ngày 29/4/2018, từng đặt vấn đề “xe công đang ngốn rất nhiều ngân sách”. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thời điểm đó, cả nước có khoảng gần 40.000 chiếc xe công, phục vụ các hoạt động chung tại các cơ quan, đơn vị, của bộ máy Đảng và nhà nước. Kinh phí để “nuôi” mỗi chiếc xe công trung bình lên tới 223 triệu đồng/xe/năm.
Mới đây, ngày 25/9, Chính phủ Việt Nam lại ban hành Nghị định số 72 về việc tăng tiền mua sắm trang bị xe hơi công cho cán bộ, quan chức. Theo quy định mới, chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định về mức giá xe ô tô (nghĩa là bao nhiêu cũng được?), gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Kể từ ngày 10/11, một số chức danh cán bộ, quan chức được sử dụng xe hơi công, sẽ được nâng mức giá mua lên, so với mức cũ khoảng 340 triệu, tăng khoảng 35 – 45%. Ngoài ra, còn có một số chức danh đặc biệt được phép sử dụng xe hơi với mức tăng giá thêm đến 500 triệu, so với quy định năm 2019. Riêng Hà Nội và Sài Gòn, các chức danh phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cũng được sử dụng xe hơi trị giá 1,55 tỷ đồng.
Báo Lao động ngày 24/3 dẫn báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, mỗi năm, trong tổng số hơn 50.000 xe công, có gần 7.000 xe bị sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn. Điển hình là câu chuyện xảy ra đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đã điều động xe công của Bộ trưởng, đi vào phi trường Nội Bài, Hà Nội, đỗ sát cầu thang máy bay để đón vợ của ông ta.
Sau đó, trước áp lực mạnh mẽ của dư luận, ông Trần Tuấn Anh đã có văn bản xin lỗi gửi cho báo chí, cho biết, thời điểm xảy ra sự việc trên, ông phải nằm điều trị tại bệnh viện, nên không biết ai điều xe đón phu nhân. Mạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ sôi sục vì chuyện này, còn đưa ra những bằng chứng, vợ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sinh hoạt xa hoa lãng phí quá đáng, so với tiền lương của Bộ trưởng chỉ khoảng 17 triệu đồng/tháng.
Mạng xã hội đưa ra con số ước tính, theo đó, kinh phí nhà nước phải tốn kém để “nuôi” 50.000 xe công, với các chi phí bảo dưỡng, xăng xe… thì một năm, ngân sách nhà nước phải tiêu tốn không ít hơn 500 triệu USD.
Nay, Nghị định 72 mới lại tăng thêm kinh phí trang bị xe hơi công cho cán bộ, quan chức, thì chi phí bảo dưỡng còn cao hơn nữa.
Báo Tuổi Trẻ online mới đây đã phải đặt câu hỏi, cả nước có 63 tỉnh, thành, trong điều kiện hiện nay, vận tải công cộng phát triển, đường xá lưu thông tốt hơn so với trước rất nhiều. Tại sao phải cần đến 50.000 xe công? Và có cần phải có lượng xe công lớn như vậy không?
Báo Dân Trí mới đây cũng cho biết, xe công ở Việt Nam, chịu một tình trạng chung là, sử dụng xăng nhà nước, lái xe cũng là người của nhà nước… Đó là lý do tại sao xe công luôn ở tình trạng sử dụng vô tội vạ, cha chung không ai xót. Mà 60% việc sử dụng xe công là phục vụ cho mục đích cá nhân. Kết quả là mỗi năm, nhà nước chi ngân sách cho xe công toàn quốc ước chừng 13.000 – 15.000 tỷ đồng.
Trong tình hình bội chi ngân sách, nợ công chồng chất như ở Việt Nam hiện nay, thì các biện pháp chống lãng phí trong việc sử dụng xe công là một việc làm hết sức cần thiết. Liệu chính quyền Cộng sản có muốn giải quyết vấn nạn này hay không, khi họ luôn đặt người dân ra ngoài các quyết sách của họ./.
Trà My – Thoibao.de