Theo nhận định của các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam gần đây, đang ngày càng co lại và tỷ lệ hoang hóa đang lên đến mức báo động. Trong khi đó, dân số lại đang tăng.
Thống kê của Tổng cục Thể dục – Thể thao Việt Nam cho thấy, hiện nay, trên cả nước hiện có 80 sân golf 18 lỗ đang đi vào hoạt động.
Với tiêu đề, “Cuộc đua đầu tư sân golf: “Tới 2030, Việt Nam có thể có 400 – 500 sân golf”, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance ngày 12/10 cho biết:
“Các chuyên gia nhận định, ngành golf Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ, các địa phương và nhà đầu tư đang có một cuộc đua đầu tư sân golf. Dự kiến, tới 2030, Việt Nam sẽ có 400 – 500 sân golf.”
Trong khi đó, giới chuyên gia môi trường tại Việt Nam, lâu nay vẫn đưa ra các cảnh báo về việc thu hồi đất nông nghiệp hay phá rừng để làm sân golf. Điều này đã khiến diện tích đất canh tác và đất rừng ngày càng giảm đi rõ rệt.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc phát triển ồ ạt các dự án sân golf, nhưng thực chất chỉ là cái vỏ, cái ruột bên trong là kinh doanh đất đai núp bóng sân golf. Các Dự án sân golf được phù phép biến thành bất động sản, rồi chia lô ra bán.
Nhà nước đã cấp phép cho xây dựng những sân golf quá lớn, với diện tích hàng trăm ngàn hecta. Như vậy, những mảnh đất nông nghiệp màu mỡ, bờ xôi ruộng mật, bị biến thành các sân golf và các khu biệt thự sang trọng nằm kề bên. Đây là điều cần phải xem xét thận trọng.
Đó là lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quy định mới, theo đó, việc cấp phép xây dựng sân golf phải được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt.
Ví dụ, một trong những sân golf lớn nhất Việt Nam tại Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), có diện tích hơn 300 héc ta, được đánh giá là sân golf quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Dư luận đặt câu hỏi rằng, với 300 héc ta đất nông nghiệp tại một quận ngoại thành như Thủ Đức, cùng với giá trị bất động sản mà khu đất đó mang lại, có đáng để nhà nước quy hoạch nó trở thành sân golf, chỉ để phục vụ một thiểu số rất nhỏ người có tiền hay không?
Hay mới đây, Dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, với quy mô hơn 174 ha, đầy tai tiếng và đã bị thu hồi.
Những người nông dân đang canh tác trên khu vực đất đai đó, trong chớp mắt bỗng trở thành “dân oan”. Họ bị cướp mất đất đai và trở nên trắng tay. Kể cả khi họ được nhận tiền đền bù, thì đó cũng là số tiền rẻ mạt, để rồi hậu quả tất yếu vẫn là trắng tay.
Nhà nước lập luận rằng, mức thuế đánh vào sân golf cao gấp nhiều lần so với mức thuế nông nghiệp, trên cùng một mảnh đất. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế. Nhưng trong quy hoạch nền kinh tế vĩ mô, theo giới chuyên gia thì việc thu thuế vượt trội này có hại hơn là có lợi. Bởi đất nông nghiệp, vừa là sinh kế của người dân, vừa tạo ra sản phẩm nuôi sống xã hội. Còn sân golf thì chỉ là thú vui của một vài người.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng:
“Số lượng sân golf đang hoạt động và đang xây dựng là quá dư thừa. Nên những dự án có mục tiêu xin thành lập sân golf mới, kể cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thì Chính phủ cần dứt khoát từ chối. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ nền kinh tế nông, lâm nghiệp, cũng như người nông dân.”
Dư luận vẫn lo ngại rằng, chính sách hạn chế phát triển sân golf, tuy đúng đắn, nhưng liệu có được các quan chức nhà nước thực hiện nghiêm túc hay không? Và quan chức có đủ bản lĩnh để từ chối những lời đề nghị “lại quả”, khi một lượng rất lớn các đại gia vẫn đang rất quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực béo bở này.
Xin nhắc lại, báo Tuổi Trẻ ngày 5/4/2021, dẫn lời Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam – Phạm Thành Trí – cho hay, thời gian gần đây, tính trung bình cứ hai tuần Việt Nam lại có thêm một sân golf được cấp phép./.
Trà My – Thoibao.de