Link Video: https://youtu.be/rl2atzHKzQM
Ngày 17/10, Vietnamnet loan tin “Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Ninh Bình phát ngôn thiếu chuẩn mực sẽ xin lỗi người dân”.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Ninh Bình, đã báo cáo giải trình và sẽ đến xin lỗi người dân xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, vì đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực.
Vietnamnet cho hay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1991, trú xã Phú Sơn, huyện Nho Quan), về việc ông Nguyễn Tiến Dũng, trong khi đi kiểm tra thực tế nhà bị nứt do ảnh hưởng của việc nổ mìn khai thác đá, đã liên tục xưng hô “mày, tao”.
Theo Vietnamnet, ông Dũng còn liên tục nói “nhà mày chết tao đền, cả gia đình mày chết tao đi tù, không lấy tiền tao không cho nữa”. Những phát ngôn của ông Dũng được camera an ninh của gia đình ghi lại, vào lúc khoảng gần 10h ngày 6/9.
Nguyên nhân ban đầu của mâu thuẫn, được xác định do nhà chị Thương ở gần mỏ khai thác đá bị ảnh hưởng nứt nhà, công trình phụ. Tuy nhiên, ông Dũng đi kiểm tra thực tế và kết luận nhà chị bị nứt chân chim.
Trước đó, ngày 11/10, trang VTV News cho biết “Người dân sống thấp thỏm quanh mỏ khai thác đá”, đề cập đến mỏ đá tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, nhiều căn nhà tại đây được Ủy ban Nhân dân huyện đưa vào danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng, do việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Cổ phần Đolomit Việt Nam.
Theo VTV News, mỏ đá đôlômit nằm trên địa bàn xã Phú Sơn, được cấp phép khai thác 30 năm. Hiện công trình đã hoạt động được 9 năm, nhưng chỉ mới khai trương nổ mìn khoảng 1 năm trở lại đây. Đó cũng là lúc những phàn nàn của người dân trở nên dồn dập.
Cho đến tháng 4 năm nay, Ủy ban Nhân dân huyện đã tạm đình chỉ việc nổ mìn của mỏ đá, cho đến khi tìm được hướng khắc phục, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Đến tháng 7, Công ty đã đưa ra lời cam kết sẽ giảm thiểu các tác động của việc khai thác, để được quay lại hoạt động nổ mìn, nhưng chừng đó chưa đủ làm người dân yên tâm.
VTV News cho hay, nổ mìn có thể gây ra các tác động như: Đá văng, rung chấn, sóng va đập không khí, bụi, tiếng ồn…
Trên thực tế, chuyện người dân ở xã Phú Sơn bị nứt nhà, bụi và tiếng ồn, thì ai cũng thấy.
Những ảnh hưởng của mỏ khai thác đá được đề cập, không chỉ dừng ở công trình và cuộc sống của những người dân sống gần khu vực khai thác, mà còn là sức ép lên hạ tầng giao thông, nơi các xe tải chở đất đá từ các mỏ hàng ngày vẫn đi qua. VTV News cho biết thêm, điều này đang diễn ra tại đoạn đường quốc lộ 1, tránh thành phố Ninh Bình đến nhà máy xi măng Hệ dưỡng, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ngay cả khi đã có biển thông báo và biển cấm xe tải, đi qua nhưng chẳng ai để ý. Đến như chiếc cầu vừa được nâng cấp, hoàn thành cách đây ít ngày thế nhưng, xe tải vẫn cứ chen nhau đi vào và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu cầu yếu?
Như vậy, kết nối câu chuyện có thể thấy, mỏ đá đôlômit cho nổ mìn để khai thác đá, và hoạt động này đã làm nứt, hư hại nhà cửa của người dân, khiến người dân bức xúc và khiếu nại.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Tiến Dũng, đại diện chính quyền đi khảo sát thực tế về thiệt hại của người dân để có kế hoạch đền bù. Tuy nhiên, ông Dũng chắc chắn đã làm việc không công tâm khiến người dân phản ứng và dẫn đến sự va chạm như câu chuyện kể trên.
Không riêng ở Ninh Bình, chuyện khai thác đá làm hư hại nhà dân xảy ra ở rất nhiều tỉnh. Rất nhiều gia đình đã trắng tay vì mất nhà cửa, khiếu kiện kéo dài cũng không nhận được đền bù thỏa đáng, mà có trường hợp còn bị quy kết là “phản động”.
Xuân Hưng
>>> Vụ Việt Nam cài phần mềm gián điệp: Liên minh Châu Âu không chấp nhận
>>> Một trường Trung học Cơ sở vận động học sinh đi xem phim Đất rừng phương Nam
>>> Nghị định mới về quản lý, sử dụng internet là chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận
Những suất ăn “kỳ lạ” của học sinh