Một kỹ sư xây dựng cho biết, khi người ta bóc tách khối lượng xây dựng, thì áp định mức vật tư sẽ ra được khối lượng vật tư, nhân công và máy móc cần chuẩn bị. Hầu hết, những định mức này đều được khảo sát khá kỹ, nên nếu bóc tách đúng, thì không dễ gì ăn gian, nếu có giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, có những hạng mục rất khó xác định được vật tư, mà nếu có xác định thì cũng rất khó định giá. Ví dụ như bức tượng bằng đồng nặng 20 tấn, thì không thể tính giá trị bức tượng theo khối lượng đồng, vì nó là tác phẩm nghệ thuật. Mà tác phẩm nghệ thuật thì định giá rất vô chừng. Hay một bức tượng bằng đá thì không thể tính giá bức tượng bằng khối lượng đá, hoặc những bức tranh thì không thể tính giá trị dựa vào vật tư và công lao động của họa sĩ được. Vì đó là những tác phẩm nghệ thuật.
Nguyên nhân mà quan chức Cộng sản thích xây tượng đài nghìn tỷ, trăm tỷ là như thế. Ở các hạng mục phụ trợ cho tượng đài, như chân đế, công viên, hồ nước, nhà tưởng niệm vv… người ta có thể bóc tách khối lượng đúng, và nếu có giám sát kỹ, thì các quan nhà ta khó mà xơ múi. Mà cho dù có xơ múi được, về sau mà bị kiểm toán thì cũng rất dễ bị lộ.
Vì thế nên việc gặm nhấm vào nguồn vốn ngân sách dồn vào việc làm tượng. Việc định giá bức tượng rất vô chừng, nên đây là nơi mà quan chức thích ăn nhất. Bởi ăn trên các tác phẩm nghệ thuật là an toàn nhất. Chẳng có định mức nào của nhà nước quy định có thể quy định rõ ràng cả.
Nói chung, trò gặm nhấm của quan chức chế độ này là vẽ dự án, mà dự án gồm các hạng mục chi không có định mức, hoặc không định giá rõ ràng, thì đấy là nơi các quan ăn an toàn nhất.
Bộ Thể thao Văn Hóa và Du lịch đưa ra dự toán 350 ngàn tỷ đồng cho chính sách Chấn hưng Văn hóa Việt, cũng là cách làm dự án dựa trên những khoản chi khó định giá, để dễ bề đánh chén mà thôi. Nếu Trung ương mà duyệt dự án này, thì có thể nói, rất nhiều nhóm lợi ích sẽ châu vào xí phần. Kết quả có chấn hưng được văn hóa hay không, không khó để mà dự đoán được.
Ở Việt Nam, những dự án mà người ta hoàn toàn có thể lập dự toán chính xác, như cắt cỏ chẳng hạn. Vậy mà vào năm 2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội còn đẩy giá từ 178 tỷ lên đến 800 tỷ. Vậy thì những hạng mục khó định giá trong dự án Chấn hưng Văn hóa Việt, người ta tha hồ mà nâng giá.
Không biết có chấn hưng văn hóa Việt được hay không, nhưng chắc chắn một điều, nếu dự án Chấn hưng Văn hóa Việt được duyệt, thì chính khối tiền này sẽ khuyến khích hàng loạt quan chức mở túi tham thật lớn để vơ vét.
Mà một khi trò tham nhũng được nâng lên một tầm cao mới, thì đấy có phải là thảm họa của văn hóa hay không? Chấn hưng văn hóa là làm cho con người nhân văn hơn, trung thực hơn. Còn nếu làm cho con người tham hơn, tinh vi hơn, thì có còn là chấn hưng văn hóa hay không?
Hiện nay, Bộ Văn Hóa Thể thao và Du Lịch đang kiên quyết bảo vệ đề xuất này. Dư luận chỉ trích rất mạnh, bởi người dân thừa biết, đây là núi tiền cho các nhóm lợi ích xà xẻo. Một số tiền rất lớn, lên đến gần 15 tỷ đô la Mỹ, là một khoản tiền có thể chia phần hậu hĩnh cho các nhân vật lớn, từ Bộ Chính trị cho đến các bộ ban ngành liên quan.
Mà cũng rất có thể, ý đồ này không phải của riêng ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Thể thao Văn Hóa và Du lịch – mà là ý đồ của một nhóm lợi ích lớn nào đấy trên đỉnh cao quyền lực của chế độ này thì sao?
Dự án đốt tiền nuôi tham nhũng đội lốt “Chấn hưng Văn hóa Việt” là một trò trục lợi rất rõ ràng. Nếu người dân lên tiếng không đủ mạnh, thì tiền từ túi dân sẽ bị móc ra và nhét vào túi tham cho những kẻ vẽ dự án.
Ý Nhi – Thoibao.de