Trước khi làm Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính được ca ngợi như là một lãnh đạo cấp tỉnh xuất sắc, khi đưa nền kinh tế Quảng Ninh bứt phá. Có lẽ, dấu ấn ông Chính để lại là sự kết nối với Trung Quốc, là mở cửa Quảng Ninh cho người Trung Quốc tràn vào. Thời kỳ ông Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chính ông đã lên ý tưởng biến Khu kinh tế Vân Đồn thành một đặc khu cho Trung Quốc thuê 99 năm. May mà người dân tỉnh táo xuống đường biểu tình phản đối, nên hậu quả không quá nghiêm trọng.
Khi mới lên làm Thủ tướng, ông Chính được kỳ vọng là người sẽ mang lại làn gió mới vào Chính phủ. Bởi trước đó, nhiệm kỳ của ông Nguyễn Xuân Phúc khá ỳ ạch. Tuy nhiên, đến nay đã qua hơn nửa nhiệm kỳ, mà dấu ấn của ông Chính vẫn khá mờ nhạt. Kết quả chẳng khác gì thời kỳ ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng. Chẳng có gì đặc biệt ở con người của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Quốc gia nào biết trân trọng kinh tế tư nhân, thì quốc gia đó có cơ hội bứt phá. Thời kỳ trước đổi mới 1986, Đảng Cộng sản triệt tiêu hoàn toàn kinh tế tư nhân, khiến đời sống của người dân điêu đứng. Sự ngu dốt cộng với duy ý chí trong tầng lớp lãnh đạo Cộng sản, đã đưa đất nước trở về thời kỳ đồ đá. Rất kinh khủng.
Sau năm 1986, Đảng Cộng sản đổi mới mô hình kinh tế, cho kinh tế tư nhân tồn tại. Tuy nhiên, Đảng lại giành ưu tiên cho khối doanh nghiệp nhà nước, và chèn ép khối tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước như con cưng, còn doanh nghiệp tư nhân như con ghẻ. Trong khi đó, khối tư nhân là khối chịu học hỏi và có khả năng thích ứng tốt hơn doanh nghiệp nhà nước. Sự coi nhẹ doanh nghiệp tư nhân chính là tước bỏ đi cơ hội phát triển của đất nước.
Từ sau khi Việt Nam mở cửa, doanh nghiệp tư nhân không những chịu sự chèn ép của doanh nghiệp nhà nước, mà còn bị lấn át bởi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – thức khối FDI. Có thể nói, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang bị kẹp giữa 3 thế lực, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp FDI.
Đất nước Hàn Quốc phát triển là nhờ khối doanh nghiệp tư nhân. Vì được tạo điều kiện tốt, khối doanh nghiệp này mạnh lên và chính họ tiếp nhận công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, từ đó trở nên lớn mạnh. Thậm chí, doanh nghiệp trong nước của họ phát triển đến mức có thể mua lại các doanh nghiệp FDI, và từ đó tạo thế vững chắc cho nền kinh tế.
Tính từ năm 2021, khi ông Chính mới làm Thủ tướng, khối FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đến năm 2022, FDI chiếm đến 72%, và đến năm 2023 này, khối FDI đã chiếm đến 74%. Nghĩa là, trong hơn 2 năm qua, khối ngoại đã chiếm vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế.
Trong nước, khối nhà nước thì phá nhiều hơn xây. Còn khối doanh nghiệp tư nhân thì cần bóc tách ra thành hai thành phần. Thành phần sân sau của các thế lực chính trị và thành phần doanh nghiệp tư nhân chỉ dựa vào thực lực. Nếu tách bỏ những doanh nghiệp sân sau, thì e rằng, số doanh nghiệp tư nhân chẳng còn được bao nhiêu. Không bị phá sản cũng là may mắn lắm rồi.
Những năm gần đây, các nhà đầu tư ngoại mua lại doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều. Nói thẳng ra là, nền kinh tế Việt Nam đang bị “giặc ngoại xâm đánh phá”. Biết rằng, chuyện mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, là chuyện bình thường trên thế giới. Tuy nhiên, khối nội vốn ốm yếu mà còn bị khối ngoại nuốt chửng ngày càng nhiều, thì đấy là điều đáng báo động. Với tư cách là người điều hành nền kinh tế đất nước, ông Phạm Minh Chính là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng tệ hại này. Người dân Việt Nam cần những lãnh đạo hiệu quả, không cần những ông chỉ giỏi làm màu.
Ý Nhi – Thoibao.de