Dư luận xã hội ở Việt Nam lại một lần nữa bức xúc về tình trạng hành dân, trong việc thay đổi xoành xoạch giấy tờ tùy thân của công dân. Mới nhất, được biết, Bộ Công an lại sắp tiến hành đổi thẻ “Căn cước công dân” thành “Thẻ căn cước”.
Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 25/10 đưa tin, Quốc hội Việt Nam đã thảo luận và dự kiến biểu quyết Luật Căn cước, đổi tên thẻ “Căn cước công dân” thành “Thẻ căn cước”, để thông qua vào tháng tới đây.
Theo báo Tuổi Trẻ giải thích, lý do phải sửa đổi thêm một lần nữa vì: “… việc “sửa sai” lần này là “trên mặt thẻ, dòng chữ “căn cước công dân” sẽ được đổi tên thành “căn cước”, quê quán thành nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh, nơi thường trú đổi thành nơi cư trú. Dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trên “Thẻ căn cước” cũng bị bỏ đi, để “bảo đảm tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin.”
Trong khi đó, Bộ Công an có những giải thích khác, khi cho rằng, việc đổi tên để “phù hợp với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân trên thế giới”.
Được biết, đây là lần thứ sáu, mẫu giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam bị nhà cầm quyền ép buộc phải đi làm mới trong vòng 10 năm vừa qua.
Mới nhất, vào tháng 3/2023, không lâu sau vụ Bộ Công an yêu cầu người dân phải đổi thẻ “Căn cước công dân” gắn chip, ngay sau đó Bộ Công an lại bắt người dân đổi sang loại thẻ “Căn cước công dân” gắn chip sửa đổi.
Điều đáng nói là thẻ “Căn cước công dân” gắn chip “sửa đổi”, không phải là giấy tờ duy nhất mà Bộ Công an từng đề nghị thay đổi mẫu trong thời gian ngắn vừa qua.
Không chỉ dư luận xã hội, mà kể cả báo chí truyền thông do nhà nước quản lý cũng bức xúc không kém gì dân chúng. Cụ thể:
Báo Tiền phong ngày 22/10 đã đưa tin với tiêu đề bằng câu hỏi, “Đổi tên “Căn cước công dân” thành “Căn cước” có lợi gì cho người dân?” Theo đó, Bộ Công an cho rằng, dự thảo Luật Căn cước lược bỏ vân tay và sửa dòng chữ “Căn cước công dân”, thành “Căn cước” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, giảm phức tạp trong thủ tục hành chính, và đảm bảo tính riêng tư của họ. Điều đó được dư luận xã hội cho rằng không thuyết phục.
Báo VnExpress cùng ngày cũng dẫn ý kiến của một độc giả có tên là Yến Yến cho biết: “Mình bốn năm phải đi làm thẻ ba lần. Lần thứ nhất mình làm lúc 37 tuổi, đến 40 tuổi hết hạn. 40 tuổi mình đi làm lại thẻ xong hạn đến tuổi 60 (lần 2), nhưng chưa được một năm lại thấy thông báo bắt buộc làm “Căn cước công dân” có gắn chíp, nên mình phải đi làm lại thẻ (lần 3). Giờ lại đề nghị đổi tên rồi đi làm lại nữa thì thật không biết nói gì hơn.”
Nhiều người dân bất bình phản ánh với báo chí nhà nước rằng, “Trước khi làm, Bộ Công an suy nghĩ cho kỹ rồi làm một lần thôi”, hay “Mấy năm nay mất thời gian với cái thẻ này quá…”
Báo chí ở Việt Nam đã tiết lộ một thông tin đang quan tâm, đó là, đến nay đã có gần 80 triệu thẻ “Căn cước công dân” gắn chip được Bộ Công an cấp cho người dân.
Điều đó có liên quan gì đến thông tin trên trang Fanpage của đảng Việt Tân, do tác giả Hạnh Nhân đưa tin:
“Một nguồn tin cho biết, bên làm phần mềm với cấp phôi nhựa là cháu của người đứng đầu Bộ Công an, mấy năm gần đây năm nào tiền thuế của dân cũng rót vào 3.000 tỷ. Đây cũng một phần là do người đứng đầu Đảng Cộng sản cần một cái máy chém nên mới chấp nhận cho nhiều quyền tới vậy, cho đến hiện tại, người đốt lò cũng chỉ hi vọng người kế tiếp cản lại được cơn bành trướng này.”
Tuy nhiên, thoibao.de chưa có điều kiện để kiểm chứng thông tin này.
Không chỉ có thẻ căn cước công dân, mẫu sổ thông hành (passport) trước đây, Bộ Công an cũng đã sửa đổi xoành xoạch trong thời gian ngắn. Cụ thể là ban đầu bỏ phần “nơi sinh”, nhưng rồi sau đó vài tháng lại bổ sung mục này như cũ, vì bị các đại sứ quán các nước từ chối cấp visa. v.v…
Công luận thấy rằng, đổi đi đổi lại xoành xoạch các mẫu giấy tờ tùy thân, lợi đâu chưa thấy, nhưng người dân bị hành, chạy ngược chạy xuôi với thủ tục hành chính.
Câu hỏi đặt ra là, ai mới thực sự trục lợi khi liên tục đổi căn cước công dân, nếu không phải là nhóm lợi ích của Bộ Công an?./.
Trà My – Thoibao.de