Việt Nam cần giải quyết vấn đề nội tại, thay vì đi theo mô hình đang sụp đổ của Trung Quốc

Link Video: https://youtu.be/wQKsmk_3Ih8

Ngày 31/10, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Việt Nam không nên đi theo mô hình đang sụp đổ của Trung Quốc” của tác giả Bùi Ngọc Quang.

Tác giả cho biết, thiên tai, lũ lụt, suy thoái kinh tế và những mâu thuẫn nội bộ khiến Trung Quốc đang đứng trước “sóng to gió lớn”. Nhưng khả năng mà Tập Cận Bình và bộ sậu của ông xử lý những thách thức này, là điều đáng ngờ.

Tác giả dẫn tình trạng thiên tai, lũ lụt khủng khiếp ở tỉnh Hà Bắc, cùng với quyết định mở cửa xả lũ không báo trước tại các hồ chứa, nhằm giảm sức ép lũ lụt ở các siêu đô thị Bắc Kinh và Thiên Tân, khiến cho tình trạng càng tồi tệ hơn. Điều này khiến người ta nghi ngờ khả năng quản lý của chính quyền Tập Cận Bình.

Nói cách khác, hàng chục triệu dân sống gần Bắc Kinh và Thiên Tân phải chịu thiệt hại để cứu hai trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước.

Tác giả miêu tả, trong khi đội cứu hộ từ các đơn vị chính thức đến chậm, thì các đoàn cứu trợ của các tình nguyện viên lại bị cản trở vì thiếu giấy tờ. Tập Cận Bình không hề đến vùng lũ lụt thăm các nạn nhân, cũng như không đưa ra các biện pháp giúp đỡ nạn nhân lũ lụt khôi phục kế sinh nhai. Thay vào đó, ông đến khu nghỉ mát ở Bắc Đới Hà, để chủ trì những phiên hoạch định chính sách với các ủy viên Bộ Chính trị và cố vấn hàng đầu của ông.

Theo tác giả, sự thiếu quan tâm của ông Tập đối với nạn nhân lũ lụt, được so sánh với cách mà nước này xử lý đại dịch COVID-19. Khi đó, Chính phủ không tham vấn người dân về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc, cũng không đưa ra được phương án hiệu quả nhằm đảm bảo thực phẩm hoặc thuốc men cho cư dân, bị bỏ lại trong các thành phố bị phong tỏa.

Vẫn theo tác giả, cùng lúc với thiên tai là những vụ “biến mất” bí ẩn, như Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, hay Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Tướng Lý Ngọc Siêu – Tư lệnh lực lượng quân sự phụ trách tên lửa và các loại vũ khí liên lục địa – cùng với một số cấp phó đã bị cách chức hồi tháng 6.

Cùng thời điểm, Quốc hội Trung Quốc cũng đã miễn nhiệm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Vương Chí Cương, và Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn.

Hình: Bài bình luận trên RFA

Tác giả nhận xét, Tập Cận Bình chỉ coi trọng lòng trung thành và không ngừng đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, vốn được xem là cách để loại bỏ các đối thủ chính trị, và củng cố vị thế, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và căng thẳng gia tăng với Mỹ về thương mại, công nghệ và vấn đề Đài Loan.

Tác giả cho rằng, Tập Cận Bình thường được mô tả là một người mạnh mẽ giống như Mao Trạch Đông, với những “nịnh thần” vây quanh. Tuy nhiên, bên cạnh những kế hoạch lớn như “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” và “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, thì ông cho thấy rất ít về những chi tiết thực chất, của các chính sách quản trị cơ bản.

Tác giả nhận định, mô hình Trung Quốc đang gặp khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ. Thế nhưng, Việt Nam được cho là đang xem xét học tập mô hình của Trung Quốc, để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, lại đến ngay từ trong những “căn bệnh thể chế” của mình.

Tác giả đánh giá, sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ, kinh tế Việt Nam đang gặp những thuận lợi. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng ở châu Âu, châu Mỹ giảm và quy mô sản xuất đang thu hẹp, tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh. Điều này chính là do tác động từ chính sách của Mỹ. Giám đốc một tập đoàn điện tử Đài Loan tại Việt Nam, cho biết: “Khách hàng yêu cầu rõ là “đặt nhà máy tại Việt Nam” và đe dọa sẽ ngừng đơn hàng nếu không làm theo.”

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn do chính thể chế mang lại. Những căn bệnh của Việt Nam cũng là những căn bệnh trầm kha của Trung Quốc. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng: Việt Nam phải thừa nhận rằng thách thức lớn nhất không phải là các thế lực bên ngoài, mà là chính là sự yếu kém nội tại.

Tác giả kết luận, thay vì tìm cách giải quyết những vấn đề nội tại của mình, Việt Nam lại đi học hỏi từ một mô hình chuẩn bị sụp đổ. Liệu điều ấy có giúp Việt Nam vượt qua khó khăn để phát triển?

Thu Phương

>>> Sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc?

>>> “Thực chiêu” và “hư chiêu” của phiếu tín nhiệm

>>> Chủ nghĩa bài Do Thái tại các nước cộng hòa thuộc Nga

>>> Công nhân chỉ là những “anh Dậu”, “chị Dậu” mặc áo cổ xanh

Vì sao VTV chỉ trích nhà xe Thành Bưởi?