Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

Link Video: https://youtu.be/JiJ_piFWpo4

RFA Tiếng Việt ngày 30/10 cho hay, “Chuyên gia: Việt Nam khó đạt chuẩn để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường”.

Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa qua thông báo, cơ quan này bắt đầu xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/9, Chính phủ Việt Nam đã chính thức đệ trình yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, dựa trên những cải cách kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.

RFA cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có 270 ngày để hoàn thành quá trình đánh giá, bao gồm cả lấy ý kiến công chúng, dựa vào quá trình phân tích 6 yếu tố, gồm:

  1. Mức độ mà đồng tiền Việt Nam có thể chuyển đổi thành tiền tệ của nước khác;
  2. Mức độ mà mức lương được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý;
  3. Mức độ được phép liên doanh hoặc đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam;
  4. Mức độ chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát đối với tư liệu sản xuất;
  5. Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá và sản lượng của doanh nghiệp;
  6. Các yếu tố khác, ví dụ sự hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp, mức độ minh bạch trong quản lý hay tham nhũng…

RFA dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho rằng, thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay khó đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên.

Theo ông Thành:

“Hiện nay người lao động ở Việt Nam không có tiếng nói gì về vấn đề mức lương và Công đoàn của Việt Nam bây giờ là những công đoàn do Nhà nước chỉ đạo chứ cũng không phải là công đoàn tự do.”

“Trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam chưa có mở ra một cách tự do cho nước ngoài đầu tư. Ngoài ra, các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh quốc phòng thì mình cũng chưa cho phép nước ngoài vào.”

“Nhà nước hoàn toàn khống chế giá cả của điện, của xăng dầu. Như vậy là không có thị trường tự do trong một số lĩnh vực mà phần lớn là do các công ty quốc doanh quản lý. Vai trò của nhà nước tham gia vào trong giá cả của nền kinh tế là còn rất lớn.

Thành ra chưa thể nói là một nền kinh tế thị trường được bởi vì quyết định về thị trường một phần đáng kể là do chính nhà nước khống chế chứ không phải là thị trường khống chế.”

Hình: Bài trên RFA

Ngoài ra, ông Thành còn cho rằng, Việt Nam khó chạm mức tiêu chuẩn kinh tế thị trường của Mỹ bởi vấn nạn tham nhũng chưa kiểm soát được; Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế mà tiền tệ có thể chuyển đổi tự do; và Việt Nam không có tam quyền phân lập, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có được sự thông thoáng cần thiết để các doanh nghiệp nước ngoài an tâm đầu tư vào.

Bình về mức độ quan trọng của việc được công nhận là nền kinh tế thị trường, RFA dẫn lời Tiến sỹ Vũ Quang Việt, từng là kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc, cho rằng, đối với vấn đề giao thương kinh tế giữa các nước, nguyên tắc mà hai bên chấp nhận là hai bên cùng có lợi, về cả kinh tế và chính trị, chứ không cần phải được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Ông Việt đưa ra ví dụ: Trung Quốc đã thực hiện một số hành động không mang tính thị trường, nhưng “Mỹ đã lờ đi tất cả khi quyết định mở rộng bang giao kinh tế với Trung Quốc trước đây và với Việt Nam mới đây.”

Theo RFA, Hoa Kỳ đã công bố không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vào năm 2017. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, Thương mại Mỹ – Trung vẫn tăng vọt, kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.

Ông Bùi Kiến Thành nhận định, Mỹ rất tôn trọng luật pháp, chứ không phải là đặt quan hệ ngoại giao rồi phủ nhận tất cả những vấn đề khác. Điều tối kỵ khiến Hoa Kỳ còn ngần ngại làm ăn với Việt Nam, là do vấn nạn tiêu cực, tham nhũng chưa được giải quyết triệt để.

Hình: Việt Nam đề nghị Mỹ công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào tháng 9/2023

Ý Nhi

>>> Sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc?

>>> “Thực chiêu” và “hư chiêu” của phiếu tín nhiệm

>>> Chủ nghĩa bài Do Thái tại các nước cộng hòa thuộc Nga

>>> Công nhân chỉ là những “anh Dậu”, “chị Dậu” mặc áo cổ xanh

Trung Quốc tiếp tục leo thang trên Biển Đông