Vẫn liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Công Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, người đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh kết luận, khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông Thắng đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng giả, rồi sau đó dùng bằng tiến sĩ giả để thi nâng ngạch.
Xin nhắc lại, ông Nguyễn Công Thắng là con trai cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Ngọ – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Sau khi xảy ra vụ bê bối này, thoibao.de đã nhận được đơn tố cáo và kiến nghị “Đề nghị Tổng Bí thư và Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho xác minh và làm rõ” về vụ việc này.
Thoibao.de chưa có điều kiện để kiểm chứng tính xác thực của tài liệu này, nên giới thiệu với một thái độ hết sức thận trọng và dè dặt đến quý khán thính giả.
Lá đơn cho biết, gia tộc Nguyễn Công Ngọ nổi tiếng ở Bắc Ninh. Ông Nguyễn Công Ngọ – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – từng là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh từ năm 2007 đến năm 2011.
Những khuất tất liên quan ông Nguyễn Công Ngọ và gia tộc Nguyễn Công mà lá đơn này tố cáo, gồm:
- Biệt phủ Nguyễn Công Ngọ ở Hạp Lĩnh, Tiên Du, Bắc Ninh được ví như Cung Hòa Thân phiên bản Kinh Bắc.
- Sự kiện bán nhà khách Tỉnh ủy (đồi Pháo Thủ) cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng (Phoenix Resort Bắc Ninh).
- Con trai Nguyễn Công Thắng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, dùng bằng thạc sĩ giả.
- Con rể ông Nguyễn Công Ngọ, là ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh, sử dụng bằng giả, đã nghỉ việc.
- Con rể, Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, sử dụng bằng không hợp pháp để thi nâng ngạch và bị phát hiện.
Ngoài ra, con cháu, họ hàng của ông Nguyễn Công Ngọ, đang công tác ở những cơ quan, đơn vị sự nghiệp khác nhau của tỉnh Bắc Ninh và các huyện trong tỉnh, gồm một danh sách 24 người, đa phần đều học Đại học tại chức, sau đó, một số đi học Thạc sĩ để xóa dấu vết bằng Đại học tại chức.
Chúng ta thử làm một phép tính nhỏ: Nguyên nhà ông cựu Bí thư đã có từng này con người trong bộ máy công quyền, còn các ông bà khác và bộ máy cũ còn tồn đọng của các ông bà ở các thời kỳ trước nữa.
Vậy cánh cửa của bộ máy công quyền có còn được chỗ cho con của những người dân thường mà học thật, có thực tài hay không?
Ai đã bố trí để cho ông Nguyễn Công Thắng giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng bộ tỉnh? Vì sao Đảng lại bố trí một người sử dụng hầu hết các bằng cấp giả, do đi mua từ Đại học Đông Đô vào chức vụ lãnh đạo? Đặc biệt, ông Nguyễn Công Thắng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Bắc ninh, là cơ quan thực hiện chức trách, như lời Bác Hồ dạy, “Làm công tác kiểm tra của Đảng là giữ cho Đảng ta luôn chuẩn mực, luôn là đạo đức, là văn minh”, tại sao lại để Nguyễn Công Thắng leo cao, chui sâu như vậy?
Trong khi gần đây, thầy dạy lái xe mô tô của cô người mẫu Ngọc Trinh đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì sử dụng giấy đăng ký xe giả. Vậy Nguyễn Công Thắng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh – sử dụng bằng Thạc sĩ giả, thì bao giờ bị khởi tố, bắt tạm giam?
Việc cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng cấp giả, không hợp pháp, không chỉ xử lý kỷ luật là xong, mà đề nghị còn phải xử lý hình sự theo Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nếu không thì sẽ “nhờn”.
Được biết hiện nay, Nguyễn Công Thắng mới đang bị xem xét kỷ luật, và ông này là con của ông Nguyễn Công Ngọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, nên những người đứng đơn kiến nghị lo ngại vụ việc sẽ bị chìm xuồng.
Lá đơn đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 13, giải quyết những kiến nghị của họ và trả lời cho công luận được rõ.
Báo Tuổi Trẻ ngày 23/12/2021, cho biết, “Cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô: Nếu không cấp bằng giả sẽ bị đuổi việc”. Theo đó, cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô, bị cáo Dương Văn Hòa, nói rằng, việc cấp bằng giả là chủ trương của ông Trần Khắc Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị – người đã bỏ trốn. Ông Hòa giữ chức vụ Hiệu trưởng, nếu không làm theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì “sẽ bị đuổi việc”.
Tóm lại, dư luận thấy rằng, những sai lầm trong công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ như hiện nay, đã hợp thức hoá và để cho chế độ phong kiến kiểu mới, núp bóng dưới thủ tục xem xét lý lịch khi bổ nhiệm cán bộ quay trở lại. Chỉ có các gia đình quan chức hưởng lợi, không chỉ về tiền bạc mà còn cả về quyền lực, để đè đầu cưỡi cổ nhân dân.
Trà My – Thoibao.de