Việt Nam không có chỗ cho người tài

Link Video: https://youtu.be/3BHYgySJXZc

Ngày 4/11, báo Tiếng Dân có bài “Chỗ đứng nào cho người tài?” của tác giả Ngô Anh Tuấn.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Hầu như mỗi làng, mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh ở khắp đất nước này đều có cổng chào với quy mô lớn nhỏ khác nhau; tùy thuộc vào độ giàu nghèo và độ “chịu chơi” của người dân và lãnh đạo chính quyền ở đó. Khẩu hiệu, biển vẫy treo tràn lan ở bất cứ đâu nhưng không biết có ai đọc nó hay không…

Rất nhiều khu tượng đài, khu tưởng niệm, bảo tàng được xây dựng vô cùng tốn kém nhưng sau đó sớm trở thành những nơi cô quạnh, heo hút, vắng bóng người. Người đã chết, người được vinh danh hẳn là sẽ buồn hơn khi tên tuổi của họ được đặt những chỗ đó theo ý của người khác.

Nhưng đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là cho khoa học, công nghệ ta đã làm được gì không? Không có tiền, không có cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, vật tư phục vụ công tác nghiên cứu thì chắc 100 năm nữa chúng ta cũng không công nghiệp hoá đúng nghĩa được, ngoại trừ việc đất nước làm bãi rác công nghiệp cho tư bản, còn người dân thì làm culi suốt đời cho họ.

Ngày mới ra trường, tôi có làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài và tôi cảm nhận được sự xem thường của họ đối với người lao động mình ra sao. Giờ thì họ không dám nhìn tôi với ánh mắt tương tự nữa nhưng với người lao động khác thì chắc hẳn khó mà thay đổi suy nghĩ của họ.

Rồi đất nước sẽ đi về đâu khi giáo dục lụi tàn, khoa học, công nghệ bết bát? Không lẽ đất nước chỉ cần và chỉ đào tạo chỉ biết nói, biết diễn thuyết, còn để có những sản phẩm có trí tuệ thực sự thì vẫn phải mong chờ ở ngoại bang?

Liên quan đến sự việc lùm xùm liên quan tới việc một vị giảng viên có học hàm, học vị cao, làm việc ở một nơi nhưng đăng ký các bài nghiên cứu khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín lại ở những trường khác; sau khi nghe được sự trải lòng thực sự của ông, rằng ông làm vậy là một cách để bán chất xám, mong cải thiện đời sống, đa số mọi người cảm thấy chạnh lòng và cảm thông với ông nhiều hơn.

Chất xám thật ít giá trị ở xứ này, ông biết bán nó đi cũng đã là một sự thức thời nhất định. Nhiều người còn không làm được thế. Đa số đều cho rằng, mua quan bán chức hẳn sẽ giàu nhanh hơn và họ chọn cách đó nhiều hơn, thay vì phải động não với những con số nhảy múa hoa cả mắt.

Cũng may là, dù đăng ký cho trường đại học khác để họ lấy danh, chứ ông không viết hộ cho người khác để làm tiền đề cho họ được làm nghiên cứu sinh hay được phong hàm giống ông, khi đó ông còn có lỗi lớn hơn với học trò…

Hình: Bài trên báo Tiếng Dân

Nếu nhà nước cơ chế trọng đãi, có chính sách phát huy tài năng thì hẳn rằng ông giảng viên kia có đất sống, thậm chí sống tốt, thay vì lựa chọn cách làm sai để có được cuộc sống hơn mức trung bình.

Ông bác họ tôi, sau một số năm làm việc ở Viện Toán, cuối cùng cũng chọn đi Mỹ làm giáo sư giảng dạy cho một số trường đại học. Ông được thừa nhận, trọng dụng, được mời giảng ở nhiều trường đại học uy tín trên thế giới, và đương nhiên, ông sống tốt với nghề của mình.

Vài người bạn của bác chọn cách ở lại, họ không có nhiều cơ hội làm toán và có người thì được phong là “phản động” khi chán nản thực tại mà lên tiếng.

Tôi không khuyên ai ra đi vì chính bản thân tôi cũng lựa chọn ở lại dù có nhiều cơ hội ra đi, không cần bằng con đường tị nạn chính trị. Thế nhưng, tôi không trách những người đã ra đi vì họ có quyền được chọn lựa khi mà những nỗ lực của họ không được ghi nhận, trọng dụng hay đơn giản chỉ là sự lắng nghe một cách chân thành.

Tôi vẫn luôn mong đất nước sớm có sự thay da đổi thịt khi lớp lãnh đạo trẻ dần dần thay thế thế hệ cha anh đã dần trở nên già nua, cằn cỗi, lỗi thời. Mong rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi tôi vẫn còn sống…

Minh Vũ

>>> Tự nhiên tặng xe đạp, chắc chắn có “âm mưu”!

>>> Báo động tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống của quan chức lãnh đạo Việt Nam?

>>> Lại thêm đường dây bán dâm ngàn đô

>>> Việt Nam muốn gửi thông điệp gì khi mời Putin sang thăm?

Liệu Đảng có cho phép trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa?