Link Video: https://youtu.be/cK1SoMXQEuA
Ngày 6/11, nhà báo Huy Đức đã viết trên trang cá nhân của mình – Facebook Truong Huy San – bài “Đầu tư công, quy hoạch và dự bị củi”.
Tác giả đưa ra nhận xét về các phát biểu của các vị bộ trưởng tại nghị trường Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn khá thẳng vào câu hỏi và giải pháp mà ông đưa ra, kể cả kiến nghị sửa chính sách, rất thực tiễn với tư duy mạch lạc.
Trong khi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì rất thuộc bài, tờ giấy [có lẽ do chuyên viên soạn vào giờ nghỉ trưa] khiến ông trả lời khá máy móc. Hình như với ông Dũng, giải pháp là công văn giấy tờ đã ban hành. Ví dụ, ông nói, “Đúng là công tác lập quy hoạch lúc đầu có vướng mắc, nhưng sau khi có Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội, thì vướng mắc đã được giải quyết“.
Theo báo chí nhà nước tường thuật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về đầu tư công và công tác quy hoạch.
Nói về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Dũng cho biết, việc lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch là nhiệm vụ mới, phức tạp, nên thời gian đầu đã bị chậm. Nhưng hiện đã có 106 quy hoạch được hoàn thành thẩm định, thẩm định hoặc quy hoạch xong. Ông cho rằng “Đây là nỗ lực rất lớn”, dù còn phải mất nhiều thời gian chỉnh sửa, rà soát…
Tác giả Huy Đức bình luận, nếu như trước 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi xuất phát của rất nhiều chính sách đổi mới, thì về sau, các chính sách xuất phát ở đây lại thấp thoáng “hồn ma kế hoạch hóa tập trung“.
Luật Quy hoạch là điển hình của giấc mơ “Anh Chủ Nhiệm” [“Vẽ cả ngày mai thành bức tranh“]. Thay vì đưa ra những nguyên tắc [vùng như thế nào thì phải trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực; vùng như thế nào thì không được phát triển công nghiệp ô nhiễm…] để khi có tiền và xuất hiện nhu cầu đầu tư, địa phương có thể ra quyết định ngay, Luật đòi các địa phương phải lập quy hoạch khi chưa xuất hiện ý tưởng và khi trong túi chưa có đồng nào ngọ nguậy.
Tác giả cho biết, vài lần, ông hỏi các nhà lãnh đạo tỉnh, tại sao các công trình, đặc biệt là công sở, lại xây xấu như vậy. Họ nói, “Ông tưởng tụi tôi muốn làm xấu như thế à. Dự án bao giờ cũng kèm theo dân chạy dự án, nguồn vốn đi xuống luôn kèm theo thiết kế và nhà thầu”.
Theo tác giả, đấy là lý do mà có một thời, công sở ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc đều bị “xuôi hóa” không một công trình nào mang dấu ấn kiến trúc bản địa.
Phải để cho từng cấp ngân sách quyết định phần vốn đầu tư của mình. Luật Ngân sách và Đầu tư công phải phân bổ cho địa phương theo nguyên tắc:
Chi tiêu thường xuyên theo bình quân đầu dân, nhân với hệ số khó khăn của từng vùng.
Tác giả đề xuất:
Đầu tư công: Công trình nào của Trung ương thì Trung ương quyết định [phần giải tỏa mặt bằng cắt phần ngân sách, giao địa phương]; Phần nào của địa phương thì ngân sách phân bổ bình quân, nhân hệ số phát triển [nơi nào khó khăn hơn thì hệ số cấp thêm cao hơn] và do chính quyền địa phương quyết định [theo thứ tự ưu tiên của mình thay vì xây trụ sở, tượng đài như các chân gỗ thường gạ gẫm].
Tác giả cho rằng, nếu không thay đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công theo hướng thoát ra khỏi tư duy tập trung quan liêu, thì chẳng những không bao giờ chống được tham nhũng [từ khâu chạy để được đưa vào danh mục và giữ được danh mục đầu tư, lên quy hoạch và bổ sung quy hoạch] mà lãnh đạo địa phương nào muốn nắm bắt thời cơ phát triển, táo bạo ra quyết định, cũng coi như đã đưa mình vào quy hoạch… dự bị củi của “Lò”.
Thực tế, chính vì lo sợ nguy cơ bị thành củi này mà vốn đầu tư công đang bị tắc nghẽn.
Quang Minh
>>> Chánh án Nguyễn Hòa Bình thiếu tự trọng vì tự khen
>>> Biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long tạo điều kiện cho bọn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc
>>> Vì sao Cơ quan kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại để các trường đại học dễ dàng qua mắt?
>>> Chánh án Nguyễn Hòa Bình thiếu tự trọng vì tự khen
Thị trường bất động sản như Trung Quốc sụp đổ, Việt Nam có tránh được khủng hoảng tương tự?