Tuần báo Đức “Die Tagespost” ra ngày 9-11-2023 có đăng một bài báo với tựa đề:
“Tiếng nói Tự do cho Việt Nam” của tác giả Dieter Weirich, ông là một nhà báo kỳ cựu và từng là Giám đốc của đài “Deutsche Welle” của chính phủ Đức từ năm 1989 đến năm 2001.
Sau đây là bản dịch:
“TIẾNG NÓI TỰ DO” CHO VIỆT NAM
—–//—–
Nhà báo Việt Nam lưu vong Lê Trung Khoa cung cấp tin tức cho đồng bào trong nước từ phòng thu của ông ở Berlin. Nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố ông là kẻ thù của chế độ.
—–//—–
Điều trớ trêu của lịch sử truyền thông: “Tiếng nói Tự do” của Việt Nam – thật không ngờ – nó đến từ Đông Berlin, nơi trước kia khi nước Đức chưa thống nhất người dân lén xem truyền hình phương Tây và nghe trộm đài phát thanh RIAS [đài của Mỹ phát thanh bằng tiếng Đức] vì quá nhàm chán các chương trình truyền hình và truyền thanh của nhà nước cộng sản Đông Đức.
Ngay cạnh lối vào Trung tâm Đồng Xuân, khu chợ châu Á lớn nhất ở Đức, thuộc quận Lichtenberg của Berlin, là văn phòng trụ sở trang tin “thoibao.de” của nhà báo Việt Nam lưu vong 51 tuổi Lê Trung Khoa. “thoibao.de” là một cổng tin tức độc lập với khoảng 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng, và trên YouTube cũng như Facebook nó tiếp cận lượng khán giả khổng lồ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Các đài truyền hình nhà nước Việt Nam VTV1 và VTV4 gọi ông Lê là một “người Việt phản động ở nước ngoài”; các cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang web của ông xảy ra thường xuyên, việc ngăn chặn và tìm cách kiểm duyệt các chương trình của ông trên mạng xã hội cũng diễn ra tương tự như vậy. Vì bị đe dọa tính mạng từ nhà nước Việt Nam và tay sai trên nước Đức, nên ông Lê đã được cảnh sát bảo vệ.
Ông Lê học thiết kế truyền thông tại Đại học Bauhaus ở Weimar và lần đầu tiên thử sức với lĩnh vực báo chí là khi ông tham gia làm việc trong một dự án của đại học này. Vì ghét sự “đồng nhất” [tức là thích sự “đa dạng”] ở quê hương, ông đã thành lập cổng thông tin “thoibao.de” vào năm 2007, ban đầu chỉ là điểm báo với trọng tâm báo chí Đức. Qua đó, ông muốn góp phần giúp người Việt ở Đức hiểu rõ hơn về đời sống ở nước này.
Khi đàn áp ở Việt Nam ngày càng gia tăng, thì hoài bão của ông Lê càng lớn. Vì vậy ông đã phát triển “thoibao.de” thành một cổng thông tin độc lập, một “tiếng nói tự do” cho nhiều đồng bào của mình trong nước. Vì vậy, ông đã trở thành kẻ thù của nhà nước Việt Nam vốn trừng trị gắt gao các nhà báo chỉ trích phê bình chế độ.
Ông Lê được cảnh sát bảo vệ từ năm 2018. Xe cảnh sát thường đỗ trước văn phòng của ông để đảm bảo an toàn cho ông. Ông thường xuyên nhận được những lời đe dọa giết người và các trang của ông liên tục bị hacker nước ngoài tấn công. “Tất nhiên nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của tôi; tôi không còn có thể gặp gỡ bạn bè hoặc tham dự các sự kiện mà mình chọn mà không phải lo lắng gì”, ông nói.
Trong phòng thu truyền hình của ông, sáu màn hình chiếu các giờ địa phương ở Berlin, New York và Hà Nội; các chương trình tin tức của ông cũng thu hút người Việt ở các nước khác. Hai triệu rưỡi người Việt sống ở nước ngoài; khoảng 190.000 người gốc Việt sống ở Đức, trong đó có khoảng 40.000 người đã nhập tịch Đức.
Lê Trung Khoa có 10 nhân viên làm việc hiện cư ngụ tại ba châu lục. Chi phí cho các chương trình chủ yếu dựa vào quảng cáo được Google và Facebook tự động đặt.
Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Việt Nam đứng thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia. Trên các phương tiện truyền thông của nhà nước, tuyên truyền thay vì thông tin khách quan, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội, cũng như các đài nước ngoài, thu hút thành phần dân chúng quan tâm đến chính trị.
Trong những năm 1990, Việt Nam có khuynh hướng tiếp cận cởi mở trong khi xây dựng một cơ cấu truyền thông mới, khi đó, thí dụ như đài Deutsche Welle của Đức cung cấp tin tức miễn phí cho các chương trình phát sóng của Việt Nam. Nhưng sau đó, những người theo đường lối cứng rắn trong đảng cộng sản đã lên nắm quyền ở Việt Nam. Các blogger bị bắt và bị hành hạ với cáo buộc mơ hồ là tuyên truyền chống nhà nước, và một đội quân tác chiến mạng cũng được thành lập với nhiệm vụ chiến đấu chống lại thông tin sai lệch. Luật an ninh mạng yêu cầu các nền tảng trực tuyến nước ngoài lưu trữ dữ liệu của người dùng trên máy chủ và giao những dữ liệu này cho chính quyền khi được yêu cầu.
Ngoài ra, tiếng Việt không có vai trò gì trong tiêu chuẩn ngôn ngữ của đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức), mặc dù Việt Nam có khoảng 100 triệu dân và là một trong những quốc gia đang phát triển kinh tế với tốc độ chuyển đổi cao.
Chế độ độc tài ở Hà Nội có tham vọng đặc biệt về công nghệ theo dõi giám sát. Gần đây, báo chí đưa tin, một phần mềm gián điệp xâm nhập có tên Predator, được mật vụ Việt Nam sử dụng để theo dõi các chính trị gia của Liên Hợp Quốc, Thượng viện và Quốc hội Hoa Kỳ, đại sứ Đức tại Hoa Kỳ, Emily Haber, và theo dõi cả Lê Trung Khoa. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà báo Lê Trung Khoa và ông cũng dấn thân cho tự do báo chí trong Hiệp hội Nhà báo Châu Âu./.
Hiếu Bá Linh (biên dịch)