Link Video: https://youtu.be/ofIr6dvdO78
Ngày 13/11, RFA Tiếng Việt cho hay “Vườn rau Lộc Hưng: Chính quyền tăng mức hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/mét vuông đất, dân vẫn chưa đồng ý”.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) lấy ý kiến về việc tăng mức hỗ trợ tiền cho người dân Vườn rau Lộc Hưng có đất canh tác, nếu đồng ý, sẽ triển khai chi trả trong tháng 12, và bắt đầu xây dựng ba ngôi trường học ở vị trí này, tuy nhiên người dân tiếp tục phản đối.
RFA dẫn báo Công an thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/11 đưa tin, dự án sắp được triển khai gồm, Trường mầm non Sơn Ca, Trường tiểu học Hùng Vương và Trường Trung học Cơ sở Mạc Đĩnh Chi, được xây dựng trên phần đất hơn 5 ha thuộc Vườn rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình.
Đây chính là khu đất mà chính quyền địa phương đã cưỡng chế, và san phẳng các ngôi nhà, vườn tược, của hơn 100 hộ dân, vào đầu năm 2019, gây xôn xao dư luận.
RFA cho biết, Dự thảo Phương án hỗ trợ của dự án, tăng mức hỗ trợ ban đầu từ 7.055.000 đồng/mét vuông, lên 11.250.000 đồng/mét vuông, cho phần diện tích đất canh tác.
RFA dẫn quan điểm của người dân Vườn rau Lộc Hưng, những người có tài sản là nhà cửa và vườn cây, bị cưỡng chế, tịch thu năm 2019, khẳng định, họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ xưa đến nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho dân, với mục đích “cướp” hơn 5 ha đất.
RFA dẫn lời ông Cao Hà Trực, một trong những cư dân thuộc gia đình nhiều đời sinh sống ở Vườn rau Lộc Hưng từ năm 1954, cho biết, trong sáng 13/11, có khoảng 30 người của chính quyền kéo đến nhà ông, để đưa dự thảo về khung hỗ trợ, nhưng thực tế là nhằm khủng bố tinh thần bố của ông – người đã hơn 90 tuổi.
Ông Trực, người đại diện cho một nhóm khoảng 80 người dân ở Vườn rau Lộc Hưng nói, đa số họ không đồng ý với mức hỗ trợ mà chính quyền đưa ra, và dự án xây dựng trường học chỉ là một trong những chiêu trò mà chính quyền địa phương dựng ra, nhằm để biến đất tư thành đất công. Ông Trực nói:
“Chính quyền đã nhiều lần toan tính để cướp của chúng tôi, đã đổi cái dự án này ra dự án khác, nhằm chiêu trò biến đất tư thành đất công.
Năm 2019, họ đã đập phá nhà của chúng tôi một cách khốc liệt, họ viện cớ vào gọi là xây dựng trái phép. Họ nói là họ không thu hồi, họ chỉ cưỡng chế xây dựng trái phép thôi.
Đến ngày hôm nay, sau 4 năm 10 tháng đã trôi qua, thì bắt đầu họ chơi trò mới, họ tiếp tục trở ra cái trò là họ xây trường học. Họ nói rằng, họ sẽ quyết liệt cho đến tháng 12 để họ làm cái dự án này.”
Tương tự, RFA dẫn lời bà Trần Thị Thoa, một cư dân Vườn rau Lộc Hưng từ 1954, cho biết:
“Họ đưa cho một cái khung giá, họ áp đặt và họ bảo là đưa xuống, để cho mình phải chấp nhận khung giá đó, rồi họ kèm theo những lời rằng, nếu như không lấy thì họ sẽ sung vào công quỹ, không lấy thì sẽ mất.”
“Họ lại tiếp tục dùng cái chiêu trò là dụ để họ lấy chữ ký, theo em được biết, thì có lẽ là họ cần chữ ký để trình lên Văn phòng Chính phủ, hoặc là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, để xin ra dự án thì đúng hơn là để họ thực hiện dự án đó.”
Theo bà Thoa, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần đối thoại trực tiếp với dân Vườn rau Lộc Hưng để đi đến một thỏa hiệp, với giá bồi thường hợp lý cho người dân ở đây.
RFA dẫn báo Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, đã có 45/124 trường hợp đồng thuận chủ trương thực hiện dự án, với mức hỗ trợ 7.055.000 đồng/mét vuông từ 2019, và nhận tạm ứng hỗ trợ với số tiền là 63,69 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Thoa, số người đồng ý nhận mức tiền đền bù như trên chỉ vào khoảng 10 người.
Thu Phương
>>> Chợ truyền thống ế ẩm, cảnh đìu hiu bao giờ mới hết?
>>> Vì sao trái cây Trung Quốc vào Việt Nam vẫn không bị kiểm soát?
>>> Làm ngơ vụ lấp biển ở vịnh Hạ Long, chính quyền tự vẽ bộ mặt thật của mình
>>> Chủ tịch nước đi thăm Mỹ và sự kỳ vọng vào việc đầu tư từ Mỹ sẽ cứu nền kinh tế Việt Nam
Việt Nam chống dịch thành công hay thất bại?