Trong những năm trước và sau cuộc chiến Biên giới 1979, Bắc Kinh đã sử dụng tiền bạc và vũ khí để kích động một số sắc tộc thiểu số sống dọc theo biên giới giữa 2 nước, tạo ra sự bất ổn cho chính quyền Việt Nam ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Vấn đề này chỉ thực sự chấm dứt sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa mối quan hệ.
Ngày 13/11, báo Công an Nhân dân đưa tin, “Đấu tranh hiệu quả với hoạt động thành lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Đây là một biểu hiện bất thường. Nhất là vào thời điểm hiện nay, khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được cho là đang xấu đi nhanh chóng.
Báo Công an cho biết, trên địa bàn tỉnh Sơn La, hiện có hơn 100 người bị cho là đối tượng có liên quan hoạt động tuyên truyền thành lập “Nhà nước H’mong”. Đồng thời, theo báo Công an, Công an tỉnh Sơn La đã đấu tranh cơ bản để tháo gỡ các hoạt động này.
Câu chuyện “Nhà nước Mông” hay “Nhà nước H’mong” về thực chất, chỉ là sự ngụy tạo để cáo buộc đối với các đòi hỏi tự do tôn giáo của người sắc tộc H’mong, sống trên lãnh thổ Việt Nam. Những người H’mong mà thoibao.de có điều kiện tiếp xúc, đều khẳng định, đây là điều hoàn toàn không có thật.
Vào năm 2019, người H’mong ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đã tổ chức biểu tình đòi có nhà thờ Tin Lành cho người H’Mong, mà không phải cầu nguyện tại nhà. Người H’mong cũng yêu cầu phải được có chữ viết riêng và Kinh Thánh được dịch ra tiếng H’mong cho họ.
Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam khi đó đã vu cáo họ, cho rằng, người H’mong muốn lập “Vương quốc tự trị Mông”, và lấy cớ đó để ra tay đàn áp khốc liệt.
Theo truyền thông quốc tế đưa tin, vụ việc này đã khiến 28 người bị tử vong, trong đó có 3 trẻ em, 130 người bị bắt, và hàng trăm người khác phải trốn vào rừng.
Cũng trong vụ việc này, truyền thông nhà nước ngày 19/3/2020 cho biết, “Toà án Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/3/2020 đã tuyên án tù chung thân đối với 2 người H’mong, với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Hai người bị kết án là Sùng A Sính (sinh năm 1982) và Lầu A Lềnh (sinh năm 1970). Cả hai người bị cáo buộc là chủ mưu, đóng vai trò cầm đầu trong việc lôi kéo những người khác cùng tham gia vào tổ chức thành lập “nhà nước Mông” tại huyện Mường Nhé, từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019.
Theo cáo trạng, Lầu A Lềnh đã tham gia tổ chức lập “nhà nước Mông”, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 2010, sau vụ bạo động ở Mường Nhé năm 2011, A Lềnh bị khởi tố nhưng đã bỏ trốn.
Cáo trạng cũng cáo buộc việc Lầu A Lềnh vận động đòi thành lập “nhà nước Mông”, nhằm mục đích cướp đất, cướp chính quyền tại huyện Mường Nhé, thay thế chính quyền hiện tại bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức, công an, quân đội, chữ viết… riêng.
Ngoài ra, Toà án cũng kết án từ 24 tháng đến 20 năm tù đối với 12 người H’mong khác, về tội che giấu tội phạm và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo đài RFA, một số người H’mong sau đó đã bỏ trốn sang Thái Lan xin tị nạn chính trị. Họ cho biết, họ chỉ đòi có nhà thờ Tin Lành riêng cho người H’mong. Ông Cư A Páo cho RFA biết, ông bị bắt và bị gán cho tội muốn làm Bộ trưởng Bộ Y tế của “Vương quốc H’Mong”. Đồng thời ông này cũng cho biết, trong quá trình bị bắt giữ, Công an tỉnh Điện Biên đã tra tấn và đánh đập ông rất dã man.
Bất chấp sự đàn áp của chính quyền đối với người H’mong và đạo Tin Lành, các cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo của người H’Mong vẫn diễn ra liên tục từ năm 1999 cho đến nay.
Xin nhắc lại, vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, hàng ngàn người H’mong ở tỉnh Điện Biên đã tham gia một cuộc biểu tình, được coi là lớn chưa từng thấy. Chính quyền địa phương đã phải huy động một lực lượng lớn công an, quân đội, đến để đàn áp dã man thì mới giải tán được.
Theo giới quan sát quốc tế, trong những năm qua, chính quyền Việt Nam đã vài lần phải đối phó với những cuộc tập trung, phản đối của người H’mong, trong đó có nhiều vụ dẫn đến xô xát và đổ máu.
Theo giới chuyên gia, trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, việc Việt Nam có một đường biên giới dài khoảng 1.500 km với Trung Quốc là vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm. Nếu chính quyền Việt Nam không tạo ra được sự đồng thuận với các sắc tộc thiểu số đang định cư dọc theo biên giới giữa 2 nước, sẽ khó có thể tránh được vấn nạn hoạt động thổ phỉ. Vào giai đoạn 1976 – 1987, thời Lê Duẩn, khi Hà Nội ra mặt chống Bắc Kinh, Trung Quốc đã sử dụng con bài này làm cho Việt Nam phải liêu xiêu về an ninh biên giới./.
Trà My – Thoibao.de