Link Video: https://youtu.be/xe45zE4eyQA
Ngày 13/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Chính sách yếu kém kìm hãm sự phát triển” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ – nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam.
Tác giả đề cập đến phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6 giữa kỳ của Quốc hội khóa 15, theo đó, một trong những điều quan trọng được nhìn nhận, là thực trạng thể chế, chính sách còn yếu kém, ảnh hưởng đến sự quản lý và điều hành của Chính phủ. Đó là yếu tố cản trở tăng trưởng và thách thức sự phát triển đất nước.
Tác giả dẫn phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thừa nhận những bất cập về chính sách, khái quát bằng hai từ “chậm” và “chưa”. Nhận trách nhiệm “thuộc về Chính phủ” và mong được Quốc hội chia sẻ, ông đã giải trình một số vấn đề có liên quan.
Thứ nhất, bộ phận “chủ trì” soạn thảo từ các bộ, ngành đang “quá tải”, vì thực tế chuyển đổi thị trường phức tạp và những yêu cầu, đòi hỏi quản lý, điều hành sao cho có thể chủ động kiểm soát tình hình.
Thứ hai, việc thực thi chính sách tùy thuộc vào thủ tục hành chính, năng lực cán bộ, công chức và sự phân cấp cho địa phương.
Theo tác giả, rào cản thực thi chính sách được xác định là do hạn chế năng lực và suy thoái đạo đức của cán bộ, công chức, “sợ sai” và “đùn đẩy” trách nhiệm…, nhưng “xung đột pháp lý”, xung đột quyền lực mới thực sự là vấn đề, nó thách thức sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản.
Tác giả phân tích, Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối thông qua các nghị quyết, Nhà nước quản lý, trong đó, Chính phủ điều hành nền kinh tế bằng pháp luật. Nghĩa là, xây dựng pháp luật phải căn cứ vào nghị quyết Đảng mang tính nguyên tắc.
Tuy nhiên, việc vận dụng nguyên tắc này trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường luôn là thách thức, bởi các nghị quyết luôn định tính, phức tạp và vô hạn định, trong khi luật pháp, chính sách đòi hỏi cụ thể, điều tiết dựa trên kết luận về hành vi của con người, đánh giá tác động có thể…
Tác giả nhấn mạnh, đây là nguồn gốc của “xung đột quyền lực” giữa Đảng và Chính phủ. Kéo dài và ngày càng căng thẳng, nó gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có hoàn thiện thể chế, xây dựng và thực thi chính sách.
Do đó, tác giả cho rằng, trước tình hình bất ổn kinh tế, tham nhũng, trục lợi và các hiện tượng tiêu cực… để duy trì chế độ Đảng đã “trở về” với mô hình toàn trị, kiểm soát và can thiệp quá nhiều vào hoạt động cụ thể.
Chẳng hạn, xác định công tác cán bộ là khâu quyết định và kiểm soát quyền lực, Đảng đã ban hành nhiều quy định cụ thể để điều hành.
Tác giả nêu dẫn chứng, mới đây Bộ Chính trị vừa ban hành các Quyết định 131 (ngày 27/10) và 132 (ngày 8/11) “về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Hai quyết định này của Đảng, đã bao trùm lên và xung đột với các Nghị định, chính sách của Chính phủ, về cán bộ công chức, đặc biệt là Nghị định 73 “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, mới được Chính phủ ban hành ngày 29/9.
Tác giả cho rằng, đây chỉ là một trường hợp “Xung đột pháp lý”, khiến ông Phó thủ tướng “lo ngại”, cho công tác điều hành, bởi vì nó biểu hiện dưới nhiều hình thức, mọi lúc mọi nơi.
Tác giả cũng đề cập đến yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng, cần có “sự giải thích luật” từ Thường vụ Quốc hội “để các bộ ngành và các địa phương triển khai thực hiện một cách chính xác nhất.”
Tác giả kết luận, thể chế và chính sách yếu kém, không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế nói riêng, mà còn kìm hãm sự phát triển đất nước nói chung.
Ý Nhi
>>> Vì sao Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bị bắt?
>>> Bắt Lưu Bình Nhưỡng, Tô bóp họng được một tiếng nói “đáng ghét” của Đảng!
>>> Vì sao Tô Lâm qua mặt Tổng Trọng, “bắt người” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
>>> Tổng cục 5 bị xoá, Tổng cục 2 bị liệt. Đảng đang mất tự chủ về tay “bạn vàng”?
Một hội nghị khách hàng Trung Quốc diễn ra ở Hạ Long, có dòng chữ khó hiểu gây tranh cãi về chủ quyền