Link Video: https://youtu.be/ySAnQxbK13A
Ngày 18/11, VOA Tiếng Việt có bài “Thấy gì từ nỗ lực của Việt Nam thúc giục Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường?”
VOA cho biết, nỗ lực của Việt Nam được thúc đẩy, mới đây nhất, với những phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở San Francisco, nơi ông đưa ra những bình luận về triển vọng của mối quan hệ Việt – Mỹ, và trao đổi về những chính sách giúp thăng tiến quan hệ của hai nước.
Hôm 15/11 tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Thưởng nói, việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, sẽ hữu hiệu hơn, nếu Mỹ công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Theo VOA, Thông Tấn Xã Việt Nam tường trình lời ông Thưởng, cho rằng: “Việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị; không nên theo quy định một cách cứng nhắc”.
VOA cho hay, trước đó, lời đề nghị này đã được các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam đưa ra với các quan chức Mỹ, và cả với Tổng thống Joe Biden khi ông đến Hà Nội vào tháng 9, để nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.
Việc ông Thưởng gợi ý rằng, Mỹ nên thay đổi cách định danh, dựa trên những cân nhắc chính trị, thay vì căn cứ theo những quy định của chính mình, là chỉ dấu cho thấy, tầm quan trọng của một vấn đề mà các quan chức Việt Nam xem là “hết sức khẩn trương và cần thiết”.
VOA dẫn lời Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân ở California, nhận định:
“Cái lợi cho Việt Nam là thuế sẽ thấp hơn, thuế nhập cảng, quan thuế. Những nước không được định danh là kinh tế thị trường thì bị xem xét kỹ hơn.”
VOA cũng cho biết, Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát độc quyền của Đảng Cộng sản, mô tả nền kinh tế của mình là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này có nghĩa là, về căn bản, nền kinh tế vận hành theo những quy luật của chủ nghĩa tư bản, nhưng có sự quản lý và điều chỉnh của nhà nước, với các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo.
Các quan chức thương mại Việt Nam đã than phiền về việc, Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ định danh là “nền kinh tế phi thị trường”, đưa tới hệ quả là hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Vẫn theo VOA, giới chuyên gia nhận định, thực trạng kinh tế Việt Nam khó đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ, để được công nhận là một nền “kinh tế thị trường”.
Đối với Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, việc Việt Nam thúc giục Mỹ đưa ra “quyết sách chính trị” để thay đổi cách định danh, là một sự “hiểu lầm”.
“Dù là “kinh tế thị trường” thì nhà đầu tư mới là người có quyền đầu tư, chứ chính phủ không thể bắt buộc họ đầu tư được”, ông nhận xét.
VOA dẫn lời Tiến sĩ Khương Hữu Lộc nói, định nghĩa “kinh tế thị trường” không phải là một thước đo cố định, mà có những mức độ khác nhau tùy theo từng quốc gia. Mỹ có lẽ là một trong những nước có nền kinh tế thị trường ở mức độ cao nhất trên thế giới.
“Theo định nghĩa thuần túy về kinh tế thị trường của Mỹ, thì Việt Nam không được coi là một nền kinh tế thị trường. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, sự định danh này ảnh hưởng đến mức đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, miễn sao Việt Nam chứng tỏ được là không có vi phạm luật của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO”, ông Lộc nhận định.
“Mà chúng ta nên nhớ rằng, Bộ Thương mại định nghĩa như thế nào, ông Võ Văn Thưởng nói thế nào, không thành vấn đề. Cái vấn đề lớn hơn là [quyết định] của những CEO của các công ty. Họ nghĩ rằng, họ đầu tư vào Việt Nam, thì hàng hóa họ được bán ra như thế nào theo thị trường, có bị nhúng tay bởi chính quyền hay không. Đó mới là điểm chính yếu.”
VOA cho biết thêm, dù vậy, Việt Nam nhìn thấy những ích lợi rõ ràng trước mắt, nếu được Mỹ định danh là nền kinh tế thị trường, được nói là, có ý nghĩa “rất lớn” cho các ngành sản xuất và xuất khẩu.
Hoàng Anh
>>> Bắt ông Lưu Bình Nhưỡng làm sụp đổ chút niềm tin ít ỏi còn sót lại với thể chế
>>> Sự cần thiết có thêm những bộ sách giáo khoa mới và đề xuất cách làm để tránh độc quyền
>>> Vụ bắt Lưu Bình Nhưỡng mang màu sắc của thuyết âm mưu
>>> Lãnh đạo Việt Nam cần tăng trưởng GDP bằng mọi giá để có thành tích
Truyền thuyết dân gian, tác quyền và thiếu hụt ngân sách