Link Video: https://youtu.be/jYBOOMtFcu8
Ngày 22/11, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của blogger Đồng Phụng Việt với tựa đề “Bà Trương Mỹ Lan và hậu quả “bên trọng, bên khinh’”.
Tác giả nhận xét, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang khai thác tận tình kết luận điều tra mà Công an Việt Nam cung cấp, để biểu dương chiến công mới của ngành này trong vụ Vạn Thịnh Phát, với những con số khủng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng công luận để hướng sự chú ý của công chúng vào các viên chức đảm nhận công việc thanh tra – giám sát của Ngân hàng Nhà nước thì rõ ràng chưa thỏa đáng…
Tác giả phân tích, sở dĩ bà Trương Mỹ Lan có thể gây thiệt hại vài trăm ngàn tỷ, vì có thể lũng đoạn hoạt động của Ngân hàng SCB. Các sai phạm đã xảy ra tại SCB vì không được ngăn chặn kịp thời.
Trách nhiệm phát hiện – ngăn chặn các sai phạm tại SCB, được đổ lên đầu một Đoàn Thanh tra được thành lập vào tháng 8/2017, với 18 thành viên. Tất cả 18 người này đều nhận tiền của SCB để bỏ qua các sai phạm của Ngân hàng này.
Đáng lưu ý là có 7 người, tuy rõ ràng đã “nhận hối lộ”, nhưng công an bỏ qua, không truy cứu trách nhiệm hình sự, vì “chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, chủ động khai báo về sai phạm, nộp lại tiền đã nhận và tích cực hợp tác điều tra”!
Tác giả bình luận, cứ như những gì báo giới Việt Nam đã lược thuật về kết luận điều tra của Công an Việt Nam, thì rõ ràng việc áp dụng pháp luật đối với các cá nhân từng tham gia Đoàn Thanh tra SCB không nhất quán, và không thể hiểu vì sao lại thế!
Tại sao cùng nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, cùng tham gia chỉ đạo đổi tình trạng của SCB từ đen thành trắng, nhưng hành vi của bà Đỗ Thị Nhàn là “nhận hối lộ”, còn hành vi của ông Nguyễn Văn Hưng lại là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?
Còn có 7 cá nhân là cán bộ của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tác giả đề cập đến vụ ông Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, bị bắt năm 2012. Ông Dũng từng khai trước tòa rằng, chính ông Phạm Quý Ngọ – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban chuyên án Vinalines – gọi điện thoại để khuyên ông bỏ trốn. Ông Dũng cũng khai rằng, một người tên Tiệp từng giúp bà Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 500.000 USD để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Ông Dũng còn khai thêm, ông từng đưa 30.000 USD cho hai sĩ quan của C48.
Tác giả thắc mắc, không rõ, có phải vì thành khẩn như đã tường thuật hay không, mà kết quả chung thẩm vẫn là ông Dương Chí Dũng bị phạt tử hình. Sau đó, tháng 2/2014, ông Phạm Quý Ngọ đột tử
Cả đơn tố cáo mà ông Dương Chí Dũng gửi nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước, sau phiên xử sơ thẩm, lẫn lời khai của ông tại phiên xử phúc thẩm, chỉ khuấy động dư luận được một thời gian ngắn rồi rơi tõm vào quên lãng.
Tác giả cho biết, tháng 4/2016, ông Trần Đại Quang thôi làm Bộ trưởng Công an để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước. Tháng 8/2017, giới hữu trách thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành, để kiểm tra hoạt động của SCB từ 30/6/2014.
Tác giả lưu ý rằng, bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát Group đã nổi tiếng về khả năng “chọc Trời, khuấy nước” từ lâu. Và từ lâu, công chúng đã thắc mắc, tại sao bà Trương Mỹ Lan cũng như Vạn Thịnh Phát Group có thể làm được những chuyện khó tưởng, như đã biết.
Tác giả thắc mắc, vì sao, đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, nhưng hệ thống tư pháp lại bỏ qua những lời khai của ông Dương Chí Dũng, không “mở rộng điều tra”?
Chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của các thành viên Đoàn Thanh tra SCB có thỏa đáng hay không? Ngành Kiểm sát có trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra – xác định lại trách nhiệm của giới lãnh đạo ngành công an, ít nhất là vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vì để “sót người, lọt tội”, hay vui vẻ truy tố như công an muốn?
Hoàng Anh
>>> Tài xế nổi nóng với người nước ngoài bị đình chỉ công việc
>>> Đảng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ Vạn Thịnh Phát
>>> Tiền bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt đã đi đâu?
>>> Chánh án Nguyễn Hòa Bình xem thường đại biểu của dân
Tổng Bí thư ca ngợi công cuộc chống tham nhũng