Link Video: https://youtu.be/1EVzSNbFqu0
Ngày 24/11, blog Thiên Hạ Luận trên VOA có bài bình luận “Thêm Trương Mỹ Lan, còn ai dám tin vào “thịnh” và “phát”’.
Tác giả cho hay, tuần này, bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tiếp tục khuấy động dư luận, sau khi hệ thống truyền thông tại Việt Nam xúm vào khai thác kết luận điều tra vụ án của bà.
Tác giả đề cập đến việc bác sĩ Võ Xuân Sơn kể về một số chuyện liên quan đến “Chăm phần chăm”.
Chẳng hạn, khi tuyển tài xế, ông chọn đúng người từng là cán bộ trong một ban quản lý một dự án. Người này bỏ việc trong ban quản lý dự án, vì không dám ký những tài liệu nghiệm thu có tính chất ảo thuật về chất lượng.
Hoặc khi thông báo tuyển người làm vườn, ông nhận được không ít hồ sơ dự tuyển mà đương sự từng là viên chức, vì không “ăn cánh” nên bị hất ra khỏi hệ thống…
Ông Sơn tâm tình: “Tôi thấy nhiều bạn tỏ ra ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận tiền hối lộ để cho SCB và bà Trương Mỹ Lan tiếp tục vi phạm, gây thiệt hại hàng chục tỉ USD… Chính tôi ngạc nhiên vì cái sự ngạc nhiên của các bạn. Hay là các bạn chưa bao giờ tiếp xúc với những thể loại như vậy? Vậy thì các bạn quá là may mắn.
Ông Sơn nhấn mạnh: “100% cái gì thì tôi không dám chắc, nhưng 100% cùng nhau tìm cách moi móc, tróc nã thì tôi tin chắc chắn là thường xuyên có như vậy. Chẳng có gì ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận hối lộ cả.”
“Những người không bước vô, hoặc bị loại ra khỏi số 100% ấy, bây giờ đang đầu quân trong đội ngũ shipper, lái taxi, làm vườn, hoặc các công việc phổ thông. Một số ít những người rút ra khỏi số 100% ấy thành đạt, một số phải ra nước ngoài sinh sống, số khác thì bị các cựu đồng liêu bòn rút, dần dà trở thành doanh nghiệp thân hữu. Vài người dấn thân cải thiện con số 100% thì đang ở trong tù, hoặc bị đày biệt xứ.”
Tác giả dẫn thắc mắc của ông Nguyễn Ngọc Chu, rằng, “Việc chuyển giao các khu đất vàng cho Vạn Thịnh Phát có tuân thủ đúng pháp luật không? Có bỏ sót tội phạm trong lĩnh vực này hay sẽ xem xét vấn đề này vào lúc khác?” và vì sao “chưa thấy cán bộ cao cấp nào liên đới trong khi chỉ riêng Dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn thì ông Dương Chí Dũng từng khai, bà Lan đã nhờ ông Dũng chuyển cho cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ một triệu USD.”
Ông Chu còn bày tỏ băn khoăn “Làm sao có thể xác định “nhận tiền mà không có động cơ”, “không cam kết làm gì có lợi cho bên đưa tiền”’.
Tác giả liệt kê hàng loạt bằng khen các loại mà bà Trương Mỹ Lan đã nhận được, và dẫn dự đoán của Bá Kiếm Mai rằng: “Trương Mỹ Lan tha hồ kể công lao hạn mã với hội đồng xét xử!”
Tác giả cũng dẫn bàn luận của Nguyễn Huy Cường về “Những sư đoàn ngủ”. Ông Cường cho rằng: “Cho dù những bộ phận đảm nhận vai trò giám sát có mặt khắp nơi… Nhìn chung giám sát là tầng tầng, lớp lớp, có thể ví von như những sư đoàn và lực lượng tham gia chống tham nhũng rất hùng hậu, bài bản, tốn kém, nhưng nhìn vào vụ Trương Mỹ Lan, thì không có nơi nào lực lượng nào nhìn ra và triệt phá hiệu quả, và hậu quả thế nào thì ta đã biết – đó là “những sư đoàn ngủ”. Cho nên: CƠ CHẾ GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT, NGĂN CHẶN, GÌN GIỮ SỰ BỀN VỮNG CỦA PHÁP CHẾ, RĂN ĐE, TRỪNG TRỊ THAM NHŨNG ĐÃ VÔ DỤNG.”
Tác giả cho biết, sau khi điểm lại một loạt sự kiện và những cái chết bất thường liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Mai Hoa Kiếm nhận định: “Vụ án Vạn Thịnh Phát rồi cũng sẽ tương tự các đại án khác. Nhà nước sẽ tịch thu tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan sung vào công quỹ, nhưng dân chúng – các nạn nhân của vụ án này sẽ mất tất cả tài sản mà họ kiếm được từ mồ hôi, nước mắt để gởi vào SCB, đầu tư vào trái phiếu của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.”
Hoàng Anh
>>> Ba vấn đề cần làm rõ trong vụ Vạn Thịnh Phát
>>> Tổng Bí thư ca ngợi công cuộc chống tham nhũng
Mô hình kinh tế Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt