Trương Mỹ Lan xé toạc nền kinh tế. Hai Nhật vẫn vô can sao ngài Tổng?

Bà Trương Mỹ Lan dùng Ngân hàng SCB để hốt 304.000 tỷ đồng, một con số khổng lồ như thế, không thể hốt trong ngày một ngày hai, mà nó đã diễn ra trong thời gian dài.

Ở xứ này, không ai làm giàu mà lại không tìm một thế lực chính trị đỡ đầu. Người chịu trách nhiệm chính trong việc để cho Vạn Thịnh Phát vơ vét tiền dân như thế, không ai khác, chính là ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Trương Mỹ Lan là người Việt gốc Hoa, tên thật là Trương Muội. Bà bắt đầu kinh doanh với vai trò là chủ một sạp buôn vải ở chợ Soái Kình Lâm. Bà Muội có mối quan hệ đặc biệt với bà Trương thị Hiền, vợ ông Lê Thanh Hải. Sau đó, bà Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan, để cho giống như chị em với bà Trương Thị Hiền.

Năm 1990, ông Lê Thanh Hải nắm chức Bí thư quận 5, thì bà Trương Mỹ Lan cũng lập nên Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vạn Thịnh Phát 2 năm sau đó. Tuy nhiên, giai đoạn này, Vạn Thịnh Phát chỉ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhà hàng, với quy mô rất nhỏ và  phạm vi hoạt động chủ yếu ở quận 5 – nơi mà ông Lê Thanh Hải làm Bí thư Quận ủy.

Năm 2006, khi ông Lê Thanh Hải lên nắm chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thì lúc đó, Vạn Thịnh Phát mới chuyển sang kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ 6.000 tỷ. Với quyền lực khuynh đảo cả thành phố, đất đai của thành phố là món hời cho Trương Mỹ Lan và gia tộc Lê – Trương khai thác. Vào thời đó, Vạn Thịnh Phát sinh sôi nảy nở với  khoảng 20 công ty con, phát triển như diều gặp gió, thâu tóm các khu đất vàng vùng Trung tâm Sài Gòn và khu vực lõi của Chợ Lớn.

Ông Nguyễn Phú Trọng cần điều tra vai trò của ông Lê Thanh Hải trong các vụ thâu tóm đất vàng của Vạn Thịnh Phát.

Có đất đẹp, Vạn Thịnh Phát mới có điều kiện huy động tiền bạc để thực hiện các dự án. Cách làm ăn thông thường của các đại gia bất động sản Việt Nam “tay không bắt giặc”, là thành lập ngân hàng, lấy nguồn tiền của bá tánh để làm vốn. Được sự chống lưng của Ngân hàng Nhà nước, năm 2011, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm ba ngân hàng nhỏ, là Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Đệ Nhất (FCB) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TNB), sát nhập chúng vào thành một ngân hàng mới, lấy tên là Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Từ đây, bà Trương Mỹ Lan hốt tiền của dân bằng cách huy động tiền gửi tiết kiệm, trả tiền lời cao hơn từ một đến hai “chấm” so với các ngân hàng thương mại khác, nên luôn có lượng khách rất đông đảo, phần lớn là người về hưu, người có tiền nhàn rỗi và người kinh doanh nhỏ.

Có thể nói, Vạn Thịnh Phát lớn mạnh theo quyền lực của ông Lê Thanh Hải. Thời ông Hải còn quyền lực thì Vạn Thịnh Phát là bất khả xâm phạm. Đến nay, xem như, khách hàng của SCB đã mất trắng tiền gửi ở đây.

Ai đã nuôi lớn kẻ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản Trương Mỹ Lan, để rồi giờ đây, hàng chục ngàn người dân bị mất trắng số tiền tiết kiệm mà họ đã tích góp cả cuộc đời.

Được biết, tổng tài sản của 5 tỷ phú đô la hàng đầu Việt Nam là 11 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, bà Trương Mỹ Lan lừa đảo, chiếm đoạt tiền của dân thông qua SCB, lên đến 12,5 tỷ đô la, cao hơn tổng tài sản của 5 tỷ phú hàng đầu cộng lại. Đây là số tiền lừa đảo, chiếm đoạt, lớn chưa từng có.

Và ai đã làm bệ phóng để có một Trương Mỹ Lan hôm nay? Đấy không phải là ông Hai Nhật – Lê Thanh Hải sao?

Vụ đại án Thủ Thiêm và vụ Vạn Thịnh Phát là hai hậu quả lớn mà ông Lê Thanh Hải để lại. Nếu ông Trọng không sờ được đến Lê Thanh Hải, thì tương lai, có thể trong bộ máy chính quyền này sẽ còn mọc lên nhiều Lê Thanh Hải khác nữa. Đó mới là điều đáng sợ.

Ông Trọng hô hào chống tham nhũng, nhưng nếu ông không nhổ tận gốc thì tham nhũng sẽ không thể giảm được. Bởi chính ông chống tham nhũng, nhưng chừa lại chỗ trú ẩn an toàn cho những con cá gộc, thì chống thế nào được đây?

Ý Nhi – Thoibao.de