Trong những năm gần đây, tình trạng phạm tội của các cán bộ chiến sĩ, thuộc lực lượng Công an Nhân dân, đã xảy ra liên tục, mang tính hệ thống. Điều này gây nguy hiểm cho an toàn xã hội, khi những người – với trách nhiệm là “thanh kiếm và lá chắn”, để bảo vệ chế độ – nhưng lại thực hiện hành vi của phường thảo khấu.
Mới nhất, báo Công lý ngày 24/11 đưa tin, với tiêu đề: “Cựu cán bộ trại tạm giam đột nhập trộm cắp 42 điện thoại”.
Bản tin cho biết: “Chiều 23/11, Toà án Nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Viết Khánh (sinh năm 1997, trú tại xã Giao Hà, Giao Thủy, Nam Định), về tội “Trộm cắp tài sản”.
Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo và kết quả tranh tụng tại tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Viết Khánh 9 năm tù, về tội “Trộm cắp tài sản”, theo Điểm a, Khoản 4, Điều 173, Bộ luật Hình sự.
Báo Công lý nhấn mạnh cho biết: “Đáng chú ý, thời điểm phạm tội, bị cáo Khánh đang là cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh.”
Một câu hỏi công luận đặt ra là, tại sao tình trạng phạm tội của cán bộ chiến sĩ, thuộc lực lượng Công an Nhân dân, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với 2 đời Bộ trưởng Công an – Đại tướng Trần Đại Quang (2011 – 2016) và Đại tướng Tô Lâm (2016 đến nay) – lại xảy ra liên tục và mang tính hệ thống như vậy?
Đây là giai đoạn mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng – đã bẻ lái lực lượng Công an Nhân dân, từ tiêu chí: “Công an Nhân dân, vì nước quên thân. Vì dân phục vụ”; để biến thành: “Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình!”.
Câu trả lời dễ dàng nhất, đó là, ngôi nhà của lực lượng Công an Nhân dân đã “dột từ nóc dột xuống”.
Cụ thể, dư luận nghi vấn:
– Đại tướng, cựu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang có dính líu gì đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), trong các thương vụ thao túng bất động sản của Công ty bình phong Bộ Công an, hay không? Cũng như, những cáo buộc liên quan đến lời khai của tử tù Dương Chí Dũng, về mối quan hệ của ông Trần Đại Quang với bà Trương Mỹ Lan có chính xác không?
– Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã chết, từng bị: “Ông Dương Chí Dũng cáo buộc ông Ngọ nhận 510 ngàn đô la Mỹ của ông Dũng để giúp “chạy án”, và khai hối lộ ông Ngọ 20 tỷ VND trong một lần khác, liên quan tới một doanh nhân tên là Lan.”
Ngoài ra, các tướng lĩnh của Bộ Công an dính chàm, phải ra trước vành móng ngựa là:
- Thượng tướng, Thứ trưởng Trần Việt Tân, 3 năm tù trong vụ án Phan Văn Anh Vũ tức (Vũ nhôm).
- Trung tướng, Thứ trưởng Bùi Văn Thành, gần 3 năm tù cũng trong vụ Vũ nhôm.
- Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, bị bắt vì liên quan tới vụ án Vũ nhôm.
- Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Cả ông Vĩnh và ông Góa đều bị bắt và truy tố vì bảo kê trong đường dây đánh bạc online hàng ngàn tỷ.
- Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bị bắt về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
- Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm 35 tỷ đồng tiền chạy án.
- Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, bị khởi tố vì chạy án trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Đó là chưa kể đến những sĩ quan cấp tá, cấp úy phạm tội, vì quá nhiều không thể liệt kê.
Kể cả Đại tướng, đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm – người mà ông Nguyễn Phú Trọng từng giao cho rất nhiều quyền lực trước đây – nhưng đến bây giờ cũng phải khiến Tổng Bí thư Trọng thất vọng.
Bộ trưởng Tô Lâm bất chấp luật pháp quốc tế, đưa đặc vụ Việt Nam đến Đức, vào tháng 7/2017, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa trung tâm thủ đô Berlin. Một hành động được ví như thời “Chiến tranh lạnh”.
V.v… và v.v… còn nhiều lắm, không thể kể hết.
Giới phân tích đưa ra những lý do và nguyên nhân khác nhau, song, đáng chú ý, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, nhận định rằng:
“Đặc biệt là những diễn biến căng thẳng ở “cung đình”, giữa phe Đảng và Chính phủ từ nhiệm kỳ Đại hội 11 Đảng Cộng sản (2011 – 2016) đến nay. Không chia sẻ quyền lực độc tôn với bất kỳ đối tượng nào, kể cả các xã hội dân sự và người dân, Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khoá 11, năm 2011, về chống tham nhũng “trong nội bộ’”.
Nhận định của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ càng chứng tỏ, Đảng của Tổng Bí thư Trọng càng độc đoán, chuyên quyền bao nhiêu, thì chế độ công an trị của “nhạc trưởng” Tô Lâm càng thịnh trị bấy nhiêu.
Thì việc, lực lượng “Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình” vi phạm pháp luật, với hành vi của phường thảo khấu, cũng là điều dễ hiểu./.
Trà My – Thoibao.de