Cư dân mạng đi từ ngạc nhiên đến phẫn nộ, khi biết tin, tại cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương chiều 22 /11, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, số tiền thiệt hại và nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát là lớn nhất, chưa từng có từ trước tới nay.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, những người nhận số tiền hối lộ lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị truy tố, xét xử, còn người nhận ít, không vụ lợi, sẽ không bị xử lý về mặt hình sự, mà chỉ bị xử lý về kỷ luật Đảng và hành chính.
Khái niệm “nhận hối lộ không vụ lợi sẽ không bị truy tố” của người đại diện cho Cơ quan chống tham nhũng, bị dư luận đánh giá là một sự ngụy biện và thách thức công luận. Bởi một lẽ tự nhiên, trên thực tế, không có ai là người dưng nước lã, lại tự nhiên đưa cho người khác một món tiền lớn, mà lại không hy vọng và mong đợi nhận lợi ích từ người nhận tiền (hối lộ).
Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, bản thân động từ “vụ lợi”cũng được dùng để chỉ việc mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì “vụ lợi” là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền, để chiếm đoạt lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng, cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cũng như cá nhân khác.
Nói ra để thấy, khái niệm “nhận hối lộ (tham nhũng) nhưng không vụ lợi”, chỉ là sự ngụy biện, khiên cưỡng. Mà mục đích duy nhất là để chạy tội cho các quan chức đã tham nhũng.
Trong khi đó, ý kiến của giới luật sư cho rằng, không nên đưa ra khái niệm “nhận hối lộ không vụ lợi sẽ không bị truy tố”. Mà tất cả những ai đã phạm tội nhận hối lộ, theo quy định của luật pháp, đều phải bị truy tố, xét xử, như thế mới đảm bảo sự công bằng.
Bản kết luận được Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) của Bộ Công an cho biết, tất cả 18 thành viên của Đoàn Thanh tra liên ngành, đến thanh tra Ngân hàng SCB, đều nhận tiền hối lộ để thay đổi kết quả thanh tra, che giấu sai phạm của Ngân hàng này.
Nhưng trong Đoàn Thanh tra có 7 người, thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng; Kiểm toán Nhà nước; Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lại được miễn truy tố vì đã nộp lại một phần hay toàn bộ số tiền nhận hối lộ.
Lý do 7 thành viên này không bị khởi tố, theo báo Dân Trí ngày 26/11 là, tuy họ “có những sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền”, nhưng “vai trò của họ là cấp dưới, đồng thời chỉ tham gia một phần việc nhất định”.
Về số tiền nhận hối lộ, Dân Trí cho biết: “Về số tiền vụ lợi, ông Thịnh, bà Hương và ông Linh chủ động khai báo có 4 lần nhận tiền, trong đó, 2 lần trả lại, mỗi người nhận và sử dụng 100 triệu đồng; bà Nguyễn Hà Linh khai báo được SCB đưa tổng 6.000 USD và 50 triệu đồng; ông Bách, bà Trang và bà Thùy Linh khai được SCB đưa nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng mỗi người.”
Theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, tội danh “nhận hối lộ” được quy định rõ, trong trường hợp phạm tội có tổ chức, nhận hối lộ từ 2 lần trở lên… thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Mức án cao nhất với tội danh nhận hối lộ lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Xin được nhắc lại, liên quan đến đại án Việt Á, ông Chu Ngọc Anh – cựu Chủ tịch Hà Nội – vì lý do không biết trong túi xách do ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á – để lại, có chứa 200.000 USD, nên không bị truy tố tội nhận hối lộ.
Ông Chu Ngọc Anh khai tại Cơ quan Điều tra là, ông không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất trước với Phan Quốc Việt, về việc đưa, nhận tiền, đồng thời cũng không gây khó khăn nhằm mục đích ép ông Việt phải đưa số tiền vừa kể.
Ví dụ về trường hợp ông Chu Ngọc Anh đã nhận 200 ngàn USD, cho thấy, khái niệm “nhận hối lộ nhưng không vụ lợi” chỉ là sự ngụy biện, và không theo bất kỳ một chuẩn mực pháp lý hiện hành nào của Việt Nam.
Đây thực chất là một chủ trương dung túng cho tham nhũng, chạy tội cho cả một bộ máy tham nhũng khổng lồ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với cách hành xử này, thì sự sụp đổ của chế độ là điều không thể tránh khỏi./.
Trà My – Thoibao.de