Link Video: https://youtu.be/jFdWE227AHI
Ngày 30/11, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của tác giả Hà Lệ Chi với tựa đề “Vì sao Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ chết”.
Theo tác giả, Mekong là con sông huyết mạch trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á. Với tổng diện tích lưu vực sông Mekong là 795.000 km2, là nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người, sinh kế của 80% trong số họ phụ thuộc vào dòng sông này. Được coi là một trong những lưu vực sông đa dạng sinh học nhất trên thế giới, cũng là một trong những khu vực đất canh tác màu mỡ nhất.
Tuy nhiên, tác giả cho biết, mực nước sông Mekong gần đây đã xuống thấp tới mức chưa từng có trong lịch sử, khiến kinh tế và nông nghiệp các nước hạ lưu chịu tác động nghiêm trọng.
Lượng nước chảy vào đồng bằng ít đi, trong khi mực nước biển lại dâng cao, làm tăng độ mặn của đất trồng trọt. Do đó, diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Tác giả dẫn báo cáo của Ủy hội sông Mekong ngày 7/8/2020, nêu rõ, tình trạng khô cạn và hạn hán trên sông Mekong có liên quan đến lưu lượng xả nước ở mức thấp của các con đập thủy lợi và sự vận hành của các nhà máy thủy điện trên sông Mekong.
Tác giả đề cập đến quyết định đào kênh Phù Nam Techno của Campuchia mới đây, cho phép vận chuyển hàng hoá đến và đi từ cảng Phnom Penh ra biển, mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam. Dự án này do nhà thầu Trung Quốc thực hiện và thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường.
Tác giả dẫn nhận định của các chuyên gia, cho rằng, kênh đào Phù Nam Techno sẽ làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu, điều này sẽ tác động đến Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…
Brian Eyler – một chuyên gia về Mekông và cũng là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của một dòng Mekông hùng vĩ”, đã nhận xét về tác động của kênh đào Phù nam Techno, như “một chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Tác giả cho hay, lo lắng trước những hậu quả tồi tệ cho dòng Mekong và Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều nhà trí thức hải ngoại đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu Chính phủ Việt Nam cần có hành động cần thiết để cứu vãn tình thế.
Chính quyền Việt Nam thời gian qua đã bất lực trước việc Lào xây các con đập trên cả dòng chính và dòng nhánh sông Mekong. Và giờ đây, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ bất lực trước dự án kênh đào Phù Nam của Campuchia. Tuy nhiên, điều đáng nói là, không phải Việt Nam không thể cứu vãn, mà những chính sách bất nhất của Chính phủ Việt Nam, cùng với các nhóm lợi ích “tranh thủ lợi dụng”, đã khiến Việt Nam tuyệt vọng trong vấn đề này như vậy.
Vẫn theo tác giả, Việt Nam thực sự không đủ sức mạnh và uy tín khiến Lào và Campuchia phải đắn đo khi thực hiện các dự án này, đơn giản vì Việt Nam luôn tiếp tay cho các dự án này của Lào và Campuchia. Chính Việt Nam đã phớt lờ các quy định về thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận của Hiệp định Mekong 1995, và lợi ích của hàng triệu người dân Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tác giả cũng cho biết, một số tập đoàn lớn của Việt Nam đã tham gia vào việc xây dựng các con đập trên dòng Mekong của Lào.
Brian Eyler đã nhận xét: “Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập này ở Lào.”
Hơn nữa, tác giả tiếp tục cho hay, một mặt, một số ban ngành ở Việt Nam tìm cách can thiệp vào các dự án thuỷ điện ở Lào, tuy nhiên, thì mặt khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn vô tư mua điện từ các dự án thuỷ điện đã tham gia vào việc bức tử Đồng bằng Sông Cửu Long.
Không chỉ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong hoạt động chính sách, nhiều nhóm lợi ích còn ngang nhiên lợi dụng tình trạng khó khăn, đã vẽ ra các dự án ma để trục lợi.
Tác giả kết luận, với những chính sách “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy, cộng với việc tham nhũng chính sách, thì Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ chết chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Quang Minh
>>> Việt Nam Cộng hòa thua do sự phản bội của Kissinger
>>> Quy định “nồng độ cồn bằng không” không thuyết phục
>>> Một vụ truy nã kỳ lạ của Công an Tiền Giang về tội “tuyên truyền chống nhà nước”
>>> Bộ Kế hoạch Đầu tư bác cả 3 phương án xây đường sắt tốc độ cao do Bộ Giao thông đề xuất
Nên xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc như thế nào?